Nghệ An: Thác Bảy Tầng, “thiếu nữ” nơi đại ngàn hồn nhiên
- 09:08 12-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thác Bảy Tầng là một thắng cảnh mới nổi ở huyện Quế Phong - Nghệ An |
Mùa mưa, lượng nước thường gấp đôi mùa cạn. Nơi đây khí hậu đặc hữu. Mưa phổ biến từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Cũng có những trận lũ bất thần diễn ra vào tháng tư. Nhưng chỉ như một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng của thủy thần. Lũ đến nhanh, qua nhanh.
Đi trên những khúc cua như đàn rắn nối đuôi nhau chạy xuyên qua địa vực xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong người đến lần đầu dễ có cảm giác ái ngại. Mắt luôn căng ra để tránh va chạm với xe đi ngược chiều hoặc một ổ gà có thể xuất hiện bất thần trên đường. Không được phóng nhanh. Luôn có thứ gì đó trên đường mà người cầm lái phải xử lý.
Thật ra chạy xe chầm chậm trên đoạn đường này cũng là điều thú vị. Những con thác lớn nhỏ reo vui trên các quãng sông phía tay phải. Một bản làng heo hút trầm buồn mà ta ngang qua, đâu đó vang lên tiếng chày giã gạo. Cũng đáng xem, đáng để chụp chọt, lưu lại một khoảnh khắc hiếm thấy ở chốn thị thành.
Về mùa mưa, nước đổ về khá lớn |
Người đi du lịch địa phương, thậm chí là báo mạng, báo giấy hay kháo nhau về một bản người Thái với những mái nhà sàn lợp bằng gỗ sa mộc... Báo nói nhiều về số năm mà những phiến gỗ lợp mái nhà. Có thể những tấm gỗ đã được dỡ ra lợp lại lần hai, lần ba khi người ta tu sửa hoặc làm lại nhà mới. Những tấm gỗ vẫn nguyên vẹn, bền chắc dù mốc meo, rêu phủ. Thứ gỗ đã làm nên những mái nhà huyền thoại. Đó là bản Hủa Mương, bản Na Xai. Nay người ta gộp hai thành một trong một cái tên rất kêu, Long Thắng.
Đi quan Long Thắng quãng chừng 2km, gặp dãy quán tạp hóa và lán gửi xe được dựng tạm bợ bằng vải bạt và tre gỗ. Nhìn xuống con suối, phía tay phải. Có lẽ thác Bảy Tầng kia rồi. Dấu hiệu nhận biết chính là những lán gửi xe. Một dấu hiệu nữa là con thác phía dưới, trông từ xa khá khiên tốn, lách mình dưới tán rừng thưa và những phiến đá to tướng. Nom kỹ hơn ta có thể nhận thấy các dãy quán lá phía hai bờ suối. Nơi đây nhiều thứ tạm bợ. Lán gửi xe, đường xuống thác, các dãy quán đều kiểu mì ăn liền cốt để đón khách đến tắm mát dịp cuối tuần hay những ai nơi xa vãng lai đi xem thác theo kiểu tùy hứng. Thấy bảo đẹp thì đến. Đến cho biết và cũng biết đâu gặp được một thắng cảnh đẹp, như ý.
Đi qua hàng cau, có lẽ do người địa phương trồng khi ở rẫy hoặc nơi đây trước kia từng là một bản nhỏ và một rừng keo nữa là đến chân thác. Cuối tuần nên có khá nhiều người đến tắm thác, vãn cảnh. Một bà cụ bà tóc đã bạc trắng khá nhanh nhẹn bước vào chiếc cầu gỗ cũng kiểu mì ăn liền bắc ngang suối. Một tốp trẻ em bơi dưới suối, áo phao rộng thùng thình. Phía bên kia, trên quán lá, đã nghe tiếng cụng ly, cụng lon bia. Tiếng cười nói lẫn trong tiếng suối, tiếng gió núi. Quán ăn nằm trơ trọi phía hai bờ suối, hầu hết ngoảnh mặt về phía ngọn thác. Xung quanh rừng đã lùi lên phía tít trên triền núi. Quanh thác chỉ còn quãng đồi trống mọc đầy cỏ và cây bụi. Ngồi cạnh suối mà cảm giác khá nóng bức.
Điểm tham quan này bắt đầu được khai thác cho mục đich du lịch từ cách đây 3 năm |
Thác Bảy Tầng trải dài theo dòng suối nơi thượng nguồn sông Nậm Việc. Có thể gọi đây là một hệ thống thác với lưu lượng nước phải chăng nhưng áp lực mạnh do độ dốc lớn. Bề rộng quãng suối dưới chân thác chừng 20m. Chân thác tạo thành một vũng rộng và khá sâu. Những ai biết bơi hoặc ưa mạo hiểm thường tìm đến ngụp lặn. Người cẩn trọng hơn thì khoác áo phao. Bụi nước tạo thành cầu vồng bên chân thác mờ ảo dưới nắng trưa.
Khu rừng nơi có ngọn thác nom khá hoang vu. Đi chừng chục cây số theo đường tuần tra biên giới men theo con suối đã là đất Lào. Ấy thế mà rừng nguyên sinh đã lùi lại khá xa. Người bản địa hoặc các nhân viên kiểm lâm mới biết được nơi đâu còn rừng nguyên sinh. Con thác vẫn ào ạt nước. Có thể phía xa kia, đằng sau ngọn thác vẫn còn rừng già.
Truyền thông địa phương và cánh phóng viên thường trú một số báo từ Sài Gòn, Hà Nội cùng với mạng xã hội đã góp phần quảng bá thắng cảnh xa xôi này và nó được xem như một điểm du lịch của địa phương từ vài năm nay. Khách du lịch, chủ yếu là cư dân địa phương. Họ đến vào cuối tuần, nhất là về mùa hè thường chật ních khách. Sau khi các biện pháp hạn chế du lịch do dịch bệnh được dỡ bỏ, lượng người đến đây cũng như nhiều điểm du lịch miền núi khác tăng đáng kể.
Du khách đến đây vẫn được cảnh báo nguy hiểm nhất là tai nạn đuối nước |
Có thể nói con thác khá đẹp. Người vãn cảnh yêu thiên nhiên hoang dã có lẽ sẽ hơi tiếc vì nơi đây không có sự hiện diện của rừng gìa như nhiều thác nước khác ở miền núi Nghệ An. Điểm du lịch vẫn khá thô sơ. Một số người làm việc trông giữ xe thu của khách tham quan 10.000đ mỗi xe máy, ô tô thì 30.000đ. Khách tham quan cũng dễ thông cảm với mức giá này.
Thác Bảy Tầng, huyện Quế Phong vẫn mang vẻ đẹp hồn nhiên của một thiếu nữ bí ẩn chốn đại ngàn. Cách làm du lịch (không chỉ nơi đây) cũng còn khá hồn nhiên. Nhưng bù lại, chính nhờ những sự hồn nhiên, nghiệp dư đó mà người tham quan dễ có những trải nghiệm tự do cùng thiên nhiên hoang dã.
Tác giả: Hữu Vi
Nguồn tin: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn