Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


ĐBQH: Chồng đi nhậu về bị vợ chì chiết có bị coi là hành vi bạo lực gia đình?

Đại biểu Nguyễn Minh Đức băn khoăn nếu chiếu theo quy định thì khi chồng đi nhậu về bị vợ chì chiết, không cẩn thận sẽ trở thành câu chuyện bạo lực gia đình.

Sáng 8/9, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) nhận định, những quy định trong dự thảo có thể sẽ không phù hợp nếu áp dụng vào gia đình truyền thống tại Việt Nam, thường là tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, mỗi thế hệ có nhu cầu, sở thích, quyền được tôn trọng khác nhau.

Vị đại biểu Quốc hội này dẫn chứng, theo điểm a, khoản 1, Điều 3 trong dự thảo, hành vi bạo lực gia đình được quy định là "Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng".

Tuy nhiên theo truyền thống gia đình con hư thì cha mẹ có nghĩa vụ dạy dỗ. Khi khuyên ngăn không được, bố mẹ doạ nạt rằng sẽ đánh đòn. Nếu chiếu theo quy định thì được quy thành đe doạ sử dụng vũ lực và được coi là hành vi bạo lực gia đình.

"Còn tại điểm b, khoản 1, Điều 3, bạo lực gia đình cũng là lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ví dụ hôm nay ông chồng đi uống rượu về, bà vợ chì chiết mỗi một lần, không cẩn thận trở thành câu chuyện bạo lực gia đình", ông Đức nói.

 Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Đức.

Theo ông Đức, trong Bộ Luật Hình sự quy định các hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục phải xảy ra thường xuyên, trong thời dài mới có thể coi là vi phạm pháp luật. Vì vậy không thể vài lần cãi vã trong gia đình mà coi đó là bạo lực được.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ, hành vi bạo lực gia đình được quy định trong Điều 3 dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) rất nhiều và rộng nên phải có các quy định chặt chẽ.

Mặc dù trong dự án có điều khoản Chính phủ sẽ hướng dẫn thi hành, tuy nhiên ông Đức e ngại các cơ quan làm luật, cơ quan soạn thảo không tính toán tất cả các hành vi thì không thể bao quát hết được.

"Không cẩn thận luật ra đời sẽ tạo nên sự ngột ngạt trong giáo dục theo văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam", vị đại biểu đoàn TP.HCM cảnh báo.

Nêu kiến nghị về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ông Đức cho rằng, các hành vi bạo lực gia đình phải được rà soát trong tổng thể mối quan hệ gia đình truyền thống Việt Nam, theo từng vùng miền.

"Cùng với đó, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả của bạo lực, nguy cơ của bạo lực gia đình để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền", đại biểu Nguyễn Minh Đức nói thêm.

Tác giả: ANH VĂN

Nguồn tin: Báo VTC News