Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sắc mới trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Những ngày tháng 9 lịch sử, về với Hưng Nguyên, Nghệ An – đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902 / 6-9-2022), nơi cội nguồn của Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), chúng tôi được chứng kiến các hoạt động sôi nổi và sự "thay da đổi thịt" của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Tự hào quê hương cách mạng

Từ thị trấn Hưng Nguyên theo Tuyến đường 12-9 về xã Hưng Thông, nơi sinh ra cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong hai bên đường rực rỡ băng cờ, biểu ngữ. Những ngôi nhà mới mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng với đầy đủ các loại ngành nghề như mộc, xây, gò hàn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại...

Cuộc sống của người dân từng bước đi lên, nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới... Nếu như các xã vùng giữa dọc theo Tỉnh lộ 558 tập trung phát triển những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, thì các xã vùng ngoài theo tuyến đường du lịch sinh thái ven sông Lam lại tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn diện tích đất bãi ven sông để trồng rau sạch, rau an toàn, trồng hoa, phát triển làng nghề, dịch vụ ăn uống... Một số xã vùng bán sơn địa thì tập trung đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, cây nguyên liệu và chăn nuôi đại gia súc.

  Phố xá Hưng Nguyên rực rỡ băng cờ, biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Vui mừng với vụ mùa bội thu, bà Lê Thị Hồng, người dân xóm 3, xã Hưng Thông nói: “Gia đình tôi có gần hai mẫu ruộng, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất và trồng giống lúa mới nên dự kiến sản lượng năm nay gấp 1,5 lần năm ngoái. Cùng với, sản xuất các loại rau màu giờ đây thu nhập từ sản xuất nông nghiệp gia đình tôi đã có dôi dư”.

Trong niềm phấn khởi về sự đổi thay của quê hương, đồng chí Nguyễn Thị Thơm, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: "Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương Xô viết Anh hùng, tiếp bước đồng chí Lê Hồng Phong, đã có hàng nghìn người con quê hương Hưng Nguyên dũng cảm hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những cống hiến, hy sinh của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và những người con ưu tú của Hưng Nguyên là truyền thống tự hào, là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực.

 Người dân Hưng Nguyên được mùa lúa Hè Thu.  

Từ một huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, đến nay Hưng Nguyên đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực. Các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Cùng với đó là việc huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2023, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới...”.

Đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh

Với sự lãnh đạo sát đúng của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của mọi người dân, kinh tế huyện Hưng Nguyên có bước tăng trưởng vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9%. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.658 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trưởng 14,64%.

 Khu công nghiệp VSIP, đầu tàu phát triển kinh tế huyện Hưng Nguyên. 

Năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 9,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm đạt 1.089.630 triệu đồng. Nhiều dự án trọng điểm như: Dự án đường 72m, dự án đường cao tốc Bắc-Nam, dự án VSIP Nghệ An... đã và đang được triển khai trên địa bàn, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Riêng khu công nghiệp VSIP đã có 30 dự án đầu tư, trong đó có 14 nhà đầu tư FDI, 16 nhà đầu tư trong nước. Hiện có 20 dự án đã đi vào hoạt động; 2 dự án đang triển khai xây dựng và 7 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Lợi ích đầu tiên và thiết thực nhất VSIP mang lại cho người dân là giải quyết việc làm cho hơn 22.600 lao động.

Hiện nay Hưng Nguyên đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021-2030. Hưng Nguyên dự kiến hình thành 3 vùng và gắn với mỗi vùng là có chức năng phát triển tập trung khác nhau. Như vùng phía Bắc gồm các xã: Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, tập trung phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng trung tâm, gồm các xã: Hưng Tây, Hưng Đạo, Hưng Thịnh, thị trấn và một phần xã Hưng Mỹ, Hưng Tân được coi là vùng động lực trung tâm phát triển tổng hợp. Vùng phía Nam: gồm các xã Châu Nhân, Xuân Lam, Hưng Nghĩa, Hưng Thông, Long Xá, Hưng Lĩnh, Hưng Lam, Hưng Phúc và một phần xã Hưng Tân, Hưng Mỹ, tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp.

 Du khách tham quan trưng bày chuyên đề “Người Cộng sản Lê Hồng Phong và những ngày nơi địa ngục trần gian Côn Đảo” tại xã Hưng Thông nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. 

Diện mạo làng quê, thị trấn, thị tứ đã có nhiều khởi sắc; nông thôn kết nối đồng bộ với đô thị; xuất hiện nhiều khu dân cư trù phú, yên bình; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân Hưng Nguyên đang đổi thay nhanh chóng. Hưng Nguyên từ huyện thuần nông đang dần được đô thị hóa. Xã Hưng Thông, quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đang trên đà khởi sắc. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng khang trang, Hưng Thông đang quyết tâm để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, Xã Hưng Tân đã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, các xã Hưng Phúc, Long Xá cũng đang tập trung thực hiện các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, góp phần để  xây dựng Hưng Nguyên đạt huyện nông thôn mới.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội, Ðảng bộ Hưng Nguyên đã đặc biệt chú trọng nhiệm vụ then chốt là xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động của Ðảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân.

 Toàn cảnh khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. 

“Tự hào về quê hương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng hơn 550 năm, đã sinh ra người con ưu tú Lê Hồng Phong, với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, mỗi cán bộ, đảng viên Hưng Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, học tập tấm gương tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh và chí khí kiên trung, bất khuất của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; tăng cường hơn nữa đoàn kết, thống nhất trong Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực xây dựng Hưng Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó chính là sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh và tấm gương cách mạng kiên trung của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất”, đồng chí Lê Phạm Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hưng Nguyên khẳng định.

Tác giả: NGỌC THĂNG - CÔNG KIÊN

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân