Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung Quốc phê duyệt vắc-xin Covid-19 dạng hít đầu tiên

Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt phiên bản vắc-xin Covid-19 dạng hít, không có kim tiêm do. CanSino Biologics (trụ sở tại TP Thiên Tân) sản xuất.

Báo The Straits Times đưa tin động thái trên đẩy giá trị cổ phiếu của CanSino Biologics tại Hồng Kông lên 14,5% vào sáng 5-9.

Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt vắc-xin Ad5-nCoV của CanSino Biologics để sử dụng khẩn cấp như một loại vắc-xin Covid-19 tăng cường. Đây là phiên bản mới của vắc-xin dạng tiêm do CanSino Biologics sản xuất.

Trước đó, vắc-xin Covid-19 của CanSino Biologics được thử nghiệm trên người vào tháng 3-2020 và được sử dụng ở Trung Quốc, Mexico, Pakistan, Malaysia và Hungary sau khi tung ra thị trường vào tháng 2-2021.

 Trung Quốc phê duyệt vắc-xin Covid-19 dạng hít đầu tiên. Ảnh: CanSino Biologics

Theo CanSino Biologics, phiên bản vắc-xin dạng hít có thể kích thích miễn dịch tế bào và tạo miễn dịch niêm mạc để tăng cường khả năng bảo vệ mà không cần tiêm bắp tay.

Hiện tại, nhiều công ty trên thế giới đang nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 dạng hít để kích thích kháng thể trong các mô mũi và đường thở nhằm chống lại virus SARS-CoV-2. Do không cần kim tiêm nên loại vắc-xin này giúp những người sợ kim tiêm phòng chống Covid-19 hiệu quả cũng như giảm bớt áp lực đối với hệ thống y tế.

Vắc-xin Covid-19 một liều ban đầu của CanSino Biologics được cho là đạt hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19 và đạt hiệu quả 91% đối với việc ngăn ngừa bệnh trở nặng.

Trong khi đó, hai hãng dược khác của Trung Quốc là Sinovac Biotech và Sinopharm chiếm phần lớn trong số 770 triệu liều vắc-xin Covid-19 xuất khẩu của quốc gia này. Vắc-xin sử dụng một loại virus gây cảm lạnh đã được biến đổi để hệ miễn dịch tiếp xúc với virus, tương tự như vắc-xin do các hãng dược AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) phát triển.

Tính đến ngày 5-9, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 245.057 ca mắc Covid-19, 5.226 ca tử vong và 233.604 trường hợp phục hồi, theo trang web worldometers.info.

Tác giả: Phạm Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người lao động