Thủ tướng: Khẩn trương tuyển dụng giáo viên, giảm áp lực trường lớp
- 14:41 02-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khẩn trương tuyển dụng giáo viên
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng,...
Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương tuyển dụng giáo viên (Ảnh: Mỹ Hà). |
Trước tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chỉ thị nêu rõ, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng.
Đồng thời, ngành phải có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng số biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng và số biên chế được giao bổ sung.
Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức cần có các giải pháp hợp đồng giáo viên phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương.
Địa phương phải tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp cấp phổ thông (Ảnh: M. H). |
Các địa phương giải quyết vấn đề trường lớp
Trước tình hình một số nơi quá tải trường lớp, gây bức xúc dư luận vừa qua, Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh, không để bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, địa phương tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất;
Rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt;
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí