Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế

Bước vào năm học 2022-2023, nhiều thách thức đặt ra đối với ngành giáo dục trong vấn đề thừa thiếu giáo viên, cơ sở vật chất và đảm bảo tự chủ trong trường học.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Chỉ thị nhìn nhận công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó tình trạng trường lớp học quá tải vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn và các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như ở các vùng sâu, vùng xa. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết.

Trước tình hình trên để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Điều kiện chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Cần bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tổ chức sơ kết, đánh giá báo cáo Chính phủ kết quả việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tại các địa phương.

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền.

 Năm học 2022-2023 đã chính thức bắt đầu.

Nhân rộng tự chủ giáo dục

Chỉ thị yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

Phải có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.

Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ và tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.

 Nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.

Tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.

Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

 Cần đảm bảo phòng chống dịch cho năm học mới.

Giải quyết vấn đề thiếu trường, thiếu lớp

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn.

Từ đó đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các địa phương cần lưu ý hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, quản lý, sử dụng sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục.

Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm mục tiêu và tiến độ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn