Học sinh lớp 1 dễ gặp 'cú sốc đầu đời' vì áp lực học tập
- 13:33 26-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khác với năm học 2021 - 2022, vì dịch COVID-19 nên nhiều địa phương cho học sinh học trực tuyến, năm học 2022 - 2023, các em sẽ được đến trường học trực tiếp.
Sau những háo hức ban đầu, trẻ dễ bị "sốc", chán nản vì áp lực viết chữ, làm toán. Ảnh: Như Ý |
Ông Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý và phương pháp học Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho rằng, trẻ mầm non vào lớp 1 là một bước ngoặt lớn, cha mẹ cần có sự chuẩn bị tâm lý để các con không bị "sốc". Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh lớp 1 đến trường trước lễ khai giảng 2 tuần để các em có thời gian làm quen, tránh tình trạng khai giảng xong phải học ngay.
Ban đầu các em rất hào hứng, háo hức nhưng chỉ khoảng 1 tuần học đã bắt đầu cảm thấy chán nản, ngại đi học. Biểu hiện của tình trạng này là buồn chán, ngủ gọi không dậy, thậm chí khóc lóc... |
“Bước đầu tiên phụ huynh cần quan tâm là làm thế nào giúp con làm quen với một môi trường mới với những thói quen hay quy tắc của nhà trường. Phụ huynh có thể dẫn con đi thăm trường hoặc thầy cô giới thiệu đến các con về trường lớp, sân chơi, nhà vệ sinh, vòi nước uống... Cách thức làm quen cũng thật tự nhiên để trẻ cảm thấy thoải mái, không nên dùng những từ như: đến trường con sẽ phải, sẽ bị...”, ông Sơn nói.
Cũng theo chuyên gia tâm lý và phương pháp học, thực tế cho thấy, có những trẻ gặp cú "sốc" đầu đời ít ngày sau khi bước vào năm học mới. Ban đầu các em rất hào hứng, háo hức nhưng chỉ khoảng 1 tuần học đã bắt đầu cảm thấy chán nản, ngại đi học. Biểu hiện của tình trạng này là buồn chán, ngủ gọi không dậy, thậm chí khóc lóc... "Một trong những lý do có thể là các con bị căng thẳng do thay đổi môi trường, phương pháp học tập", ông Sơn cho biết.
Học sinh "bắt đầu từ số 0" cảm thấy thua kém
Chuyên gia tâm lý và phương pháp học Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu như ở trường mầm non, trẻ chỉ tham gia các hoạt động vui chơi thì lên lớp 1 sẽ tập viết chữ, đọc câu, làm toán... Đáng chú ý là, một số cha mẹ cho con đi học trước, khiến những bạn “bắt đầu từ số 0” cảm thấy mình thua kém và căng thẳng, áp lực ngay từ ngày đầu tiên đến trường.
Không ít phụ huynh thừa nhận rất áp lực, hay cáu gắt vì mỗi tối dạy kèm con học đến 22h - 23h đêm. “Việc học thêm sau giờ học cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng cho con trẻ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sốc và kiệt sức ngay những tuần đầu của năm học”, chuyên gia Nguyễn Đình Sơn. |
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, trong những tuần đầu tiên sự đồng hành, động viên của cha mẹ rất quan trọng giúp cho việc đến trường của trẻ diễn ra suôn sẻ, từ việc đánh thức và đưa đón đúng giờ để con không cảm thấy lo lắng; hay không đòi hỏi con phải tiến bộ ngay trong học tập hay trong hòa nhập vì việc đó cần có thời gian. Nếu thấy con không vui, cần ngồi xuống chia sẻ xem trẻ có bị trêu chọc hay bị bắt nạt xảy ra ở lớp không để tìm giải pháp hỗ trợ.
Còn chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Thành Nhân lại cho rằng, cá nhân ông ủng hộ học sinh tất cả các cấp được tựu trường đúng ngày lễ khai giảng năm học mới 5/9. Sự tò mò, háo hức, hồi hộp sẽ là một phần trong kí ức tốt đẹp của các em.
Tuy nhiên, riêng đối với lớp 1, các em còn quá nhỏ, ngoài thay đổi môi trường chơi sang môi trường học, cần có thời gian làm quen, thích nghi vì phần kiến thức hiện nay của lớp 1 quá nhiều. Các nhà trường có thêm 2 tuần trước năm học để các con làm quen trường lớp, cách học là phù hợp.
Cũng theo ông Nhân, không riêng học sinh lớp 1 mà các cấp bậc học hiện nay, học sinh đang phải học kiến thức quá nặng. “Thế giới ngày càng hiện đại, việc cải cách giáo dục cần phải giản đơn hơn, chứ không nên nặng nề và hàn lâm. Có vậy học sinh mới có thể đến trường vui học, tăng cường trải nghiệm thay vì căng thẳng, áp lực ngay từ lớp 1”, ông Nhân nói.
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong