Bộ Y tế kiến nghị nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế
- 13:56 21-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 21/8, tại Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác sức khỏe nhân dân; chủ động thích ức linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” với nhiều điểm cầu trên cả nước.
Tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết về cơ bản, ngành y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Bên cạnh đó, một số kết quả chủ yếu như: Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân và số giường bệnh trên 10.000 dân.
Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới một tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.
Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A…).
Công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19, thuốc, trang thiết bị y tế trong nước cũng được đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao. Ngoài ra, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu.
Sẽ tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho hay ngành vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần tập trung xử lý sớm. Cụ thể, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế mà chúng ta đã thấy rõ trong phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua.
Các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...
Cùng với đó, bà cũng nhấn mạnh những thách thức do mô hình bệnh tật thay đổi; tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Nhu cầu, kỳ vọng của người dân cao hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Ảnh: VGP. |
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho rằng cần tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm xem xét cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đánh giá, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội về đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...
Đề nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan bố trí nguồn lực, kinh phí đảm bảo việc triển khai các nhiệm vụ, dự án về y tế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các đề án, chương trình đã được phê duyệt.
Cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để rà soát, đánh giá, xây dựng, đề xuất phương án cụ thể của lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Cần nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế
Đặc biệt, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Trước tình hình này, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất Chính phủ, Thủ tướng quan tâm xem xét, chỉ đạo nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế.
Cụ thể, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt chuyên ngành khó tuyển, ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở như chính sách với sinh viên sư phạm.
Theo Bộ Y tế, hiện chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp như chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt... để thu hút học viên, sinh viên giỏi vào học ngành y, tạo điều kiện thuận lợi khi học xong được phục vụ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo trong hệ thống y tế.
Các nhân viên y tế tại TP.HCM vất vả trong đợt dịch Covid-19 cao điểm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 năm 2011, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Bộ đề xuất Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả hạng chức danh.
"Thời gian học tập, thực hành của nhóm chức danh này kéo dài hơn so với các ngành nghề khác trong hệ thống chính trị", Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu lý do.
Cuối cùng, Bộ Y tế đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, chia sẻ chế độ chính sách cho nhân viên y tế chưa phù hợp, chậm thay đổi để phù hợp với thực tế hiện nay.
Ông Thức dẫn chứng hiện phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73 năm 2011. Hiện mức chi phụ cấp này không còn phù hợp.
Về công tác tiêm vaccine Covid-19, bên cạnh các địa phương tiêm nhanh, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Bà Đào Hồng Lan cũng cho hay tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối... Ngân sách nhà nước cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao ( trên 40% tổng chi). Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững.
Phải tính đúng, tính đủ
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cho hay chúng ta vẫn là một nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp. Trung bình chi phí khám chữa bệnh của người dân chiếm 70%. Số lượng thuốc hơn 90% phải nhập từ bên ngoài. Mệnh giá BHYT của Việt Nam trung bình 1 triệu đồng/người/ năm. Ông nhấn mạnh con số này không bằng 1/20-1/30 các nước phát triển.
Theo Phó thủ tưởng, về lâu dài, chúng ta phải tính đúng, tính đủ giá viện phí. Ngoài ra, ngành y tế cần quan tâm đến vấn đề thiếu điều dưỡng viên. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản là 9, trong khi đó ở Việt Nam một bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng.
"Chúng ta chưa thể bằng được các nước nhưng phải tăng đầu tư ngân sách, không thể chữa bệnh như nước tiên tiến mà giá lại thấp", Phó thủ tưỡng Vũ Đức Đam nói.
Ông cũng nhấn mạnh không nên quá máy móc cơ sở y tế xã nào cũng phải có bác sĩ. Nguyên lý của chúng ta là chăm sóc. Chủ tịch tỉnh làm sao phải hướng tới y tế cơ sở, trạm y tế là cánh tay nối dài của y tế huyện.
Tác giả: Phương Anh
Nguồn tin: zingnews.vn