42 người Việt trốn khỏi casino địa ngục: "Không về thì sớm muộn cũng chết"
- 08:20 20-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vỡ mộng làm giàu trong "địa ngục"
Chị Trang (22 tuổi, quê Kiên Giang) suốt đêm không ngủ được vì quá vui mừng khi về đến lãnh thổ Việt Nam, cô ám ảnh những ngày sống không bằng chết tại casino ở Campuchia.
Người phụ nữ 22 tuổi kể, một người bạn thấy vợ chồng cô làm mãi vẫn không có nhiều tiền nên giới thiệu công việc nhẹ, thu nhập cao ở Campuchia, vì vậy vợ chồng chị Trang theo người môi giới qua đất Campuchia.
Chị Trang và nhiều lao động không cam chịu sống cuộc sống như địa ngục trần gian nên bất chấp nguy hiểm tính mạng, đào tẩu về Việt Nam vào 18/8. |
Khi qua Campuchia, vợ chồng chị Trang không được đưa vào công ty như lời người bạn nói ban đầu, cả 2 được đưa đến một công ty khác. Công việc được người quản lý giao cho là một chiếc app hẹn hò, mỗi ngày phải chào mời người vào đăng ký để dụ dỗ người tham gia, mỗi cuộc hẹn hò ảo thành công thì chị Trang được 10 triệu đồng.
Những tháng đầu, chị Trang và chồng làm đủ chỉ tiêu, sau đó không đạt nên thường xuyên bị dọa đánh và bán qua công ty khác. Chị Trang chứng kiến nhiều lao động Việt Nam bị đánh, thậm chí đưa lên tầng trên chích điện đến hết điện thì thôi.
Chị Trang không biết mình bị bán hay là công nhân lao động, nhưng theo những người phiên dịch tại công ty chị Trang làm thì nếu bị bán không được về Việt Nam, còn lao động thì có cơ hội về.
Số lao động đào tẩu thành công về Việt Nam được ngành chức năng An Giang đưa đến Trung tâm Văn hóa cộng đồng xã Đa Phước sống tạm (ẢNh: CTV). |
Theo chị Trang, trong nhóm người có một anh mẹ mất, gia đình khó khăn, nhóm lao động hùn tiền lại mỗi người 10 USD để xin cho anh này về quê nhưng quản lý không đồng ý. Sau đó, nhóm chị Trang tăng lên 40-50 USD, quản lý vẫn không thay đổi ý định. Từ việc này và cuộc sống không bằng chết ở công ty lừa đảo, chị Trang và 41 lao động lên kế hoạch đào tẩu về Việt Nam.
"Tôi vẫn biết việc chạy về Việt Nam là cận kề cái chết, nhưng không về thì sớm muộn cũng chết vì bị đánh đập, chích điện… Vì thế, lợi dụng sự sơ hở của nhóm bảo vệ, chúng tôi làm theo kế hoạch. Những anh cao to tấn công bảo vệ cho những người yếu và phụ nữ chạy ra, sau đó đến nhóm anh em dùng bơm xăng chặn đường bảo vệ để mọi người nhảy xuống sông, bơi về Việt Nam. Khi nhảy xuống sông, tôi biết mình đã sống" - chị Trang chia sẻ.
Đào tẩu là con đường sống duy nhất
Chị Đoàn Ngọc D. (20 tuổi, quê ở Cao Bằng) kể về cuộc trốn chạy của mình và nhóm người Việt: Ban đầu bảo vệ yếu thế vì bất ngờ nhưng không lâu sau, nhiều tên bảo vệ to cao xuất hiện, tay cầm hung khí. Rất may mọi người đã nhảy xuống sông, nhiều người không biết bơi cũng nhảy sông và nhờ những thanh niên bơi khỏe dìu vào bờ, sau đó được người Việt Nam ứng cứu.
Những vết thương trên cơ thể lao động do té ngã trong cuộc đào tẩu và bị quản lý đánh trong thời gian làm việc tại Campuchia. |
Chị D., và nhiều lao động khác đều được "người quen" giới thiệu công việc bên Campuchia làm ở phòng lạnh, lương cao đến 25 triệu đồng/tháng. Thấy hấp dẫn, vợ chồng chị D. bỏ công việc ở Bắc Ninh và đăng ký tuyển dụng.
Theo lời chỉ dẫn môi giới, vợ chồng D. lên ô tô di chuyển 3-4 chuyến xe, sau đó đến Campuchia. Vào công ty, vợ chồng D. sốc vì công việc và mức lương không như lúc tuyển dụng. Mỗi ngày, vợ chồng D. bị bắt kiếm 10 triệu đồng/ngày bằng app để dụ dỗ người vào chơi.
Chị D. cho hay, tháng nào không đủ chỉ tiêu, cuộc sống như tù đày vì bị bắt lao động cực lực, dọa nạt và thậm chí đánh đập. Vợ chồng D. biết cuộc đào tẩu nguy hiểm nhưng đây là con đường sống duy nhất nên cùng mọi người trốn chạy về Việt Nam vào ngày 18/8.
Nhiều lao động ở casino Campuchia đào tẩu thành công về Việt Nam đêm qua không ngủ được vì vui mừng thoát được "địa ngục trần gian". Họ không ngủ được vì lo cho một lao động bị bắt và một người khác bị mất tích và cả những người âm thầm giúp họ đảo tẩu về Việt Nam đang còn ở lại Campuchia.
Suốt đêm qua, nhiều lao động không ngủ được vì vui mừng biết mình còn sống. |
Hiện 40 lao động đang được sống tập trung tại Trung tâm Văn hóa xã Đa Phước, huyện An Phú. Công an tỉnh An Giang và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang đang phối hợp ngành chức năng để giải quyết những vấn đề liên quan đến nhóm lao động này.
Được biết, các lao động đã liên hệ với người thân, trong khi các ngành chức năng đang làm những thủ tục cần thiết trước khi gia đình các nạn nhân đến bảo lãnh đón về nhà.
Tác giả: Nguyễn Hành
Nguồn tin: Báo Dân trí