Một lớp dùng nhiều bộ SGK: Phụ huynh "toát mồ hôi" đi tìm sách
- 07:24 17-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đôn đáo giữa "ma trận" SGK
Năm nay, con gái chị Mai (Hà Nội) lên lớp 6. Trường con chị đã bắt đầu cho học sinh nhận lớp, nhận cô và ôn tập bổ sung kiến thức được hơn một tuần nhưng con chị vẫn chưa có SGK mới và vở.
Theo chị Mai, ngay khi đăng kí nhập học cho con, gia đình có đăng kí cả SGK và vở nhưng không hiểu do sai sót từ đâu, lớp con chị có 2 học sinh không được phát SGK.
Chị chạy ra nhà sách tìm mua cho con mới thực sự hốt hoảng bởi "ma trận" SGK thì nhiều bộ nhưng mỗi nhà sách chỉ có lẻ tẻ, không thể đủ tất cả các bộ để "nhặt" một thể.
Mỗi nhà sách chỉ có lẻ tẻ, không thể đủ tất cả các bộ SGK để phụ huynh "nhặt" một thể (Ảnh: M. Hà). |
Hiện lớp con gái chị Mai dùng 3 đầu SGK thuộc 3 bộ khác nhau: Bộ Cánh diều, bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Đấy là chưa kể SGK tiếng Anh lại của một đơn vị khác.
"Tôi chạy ra nhà sách Giảng Võ chỉ được một đầu sách, nhân viên cho biết đầu sách còn lại phải sang tuần mới có.
Tôi tiếp tục chạy ra nhà sách lớn khác ở đường Nguyễn Trãi cũng không có cuốn Mỹ Thuật mình cần.
Nhân viên ở đây cho hay, sách Mỹ thuật bộ Chân trời sáng tạo khá hiếm, đợt rồi nhà sách chờ mãi chưa thấy về dù phụ huynh hỏi nhiều", chị Mai nói.
Trước đó, một phụ huynh có con năm nay học lớp 7, Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) cũng cho biết, lớp con chị dùng sách giáo khoa thuộc 4 bộ khác nhau:
Môn Toán: Bộ sách giáo khoa Cánh diều;
Môn Mỹ thuật: Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo;
Môn Tiếng Anh: Global Success;
Các môn còn lại: Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Vì gia đình chị không đăng kí mua SGK qua nhà trường nên khi đi tìm mua mới thật sự bỡ ngỡ bởi phải đi rất nhiều lần, qua nhiều nhà sách mới "nhặt" đủ bộ SGK cho năm học mới.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết, việc một lớp học sử dụng nhiều bộ SGK là theo đúng quy định và giáo viên được phép làm việc đó.
Vì thế những trường khác nhau thì có cách chọn SGK khác nhau và Ban giám hiệu nhà trường phải tôn trọng quyết định của giáo viên.
Việc một trường học sử dụng SGK từ nhiều bộ khác nhau là đúng quy định (Ảnh: Mỹ Hà). |
Nên nghĩ đến cha mẹ học sinh?
Hiện nay, danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT duyệt gồm bộ "Cánh Diều" (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp), "Kết nối tri thức và cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" (NXB Giáo dục Việt Nam).
Sách tiếng Anh cũng được chọn từ nhiều đầu sách như Global Success (NXB Giáo dục Việt Nam); I-Learn Smart World (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), THiNK (NXB Đại học Sư phạm).
Nếu các trường chọn mỗi bộ một đầu SGK, cộng với SGK tiếng Anh nghĩa là gia đình đó phải tìm đúng 4 bộ khác nhau mới đủ đầu SGK cho con.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, việc một trường học chọn SGK thông qua giáo viên và chọn các cuốn sách phù hợp từ nhiều bộ khác nhau cũng đúng quy định và phù hợp với tiêu chí một chương trình nhiều SGK mà chúng ta đang thực hiện.
Cụ thể theo phân tích của bà Hằng, theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông 2018 tổng thể, dù học bằng bộ sách nào thì cũng phải đảm bảo yêu cầu của chương trình, phẩm chất và năng lực đạt được của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng.
Khung chương trình là chung, đường đi có thể khác nhau nhưng kết quả hướng đến giống nhau ở yêu cầu chung.
Do đó, việc có nhiều SGK từ các bộ khác nhau không làm ảnh hưởng tới chương trình.
"Riêng quận chúng tôi, việc lựa chọn SGK trên địa bàn được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở và của Bộ GD&ĐT được quy định tại Thông tư 25/2020-BGDĐT ngày 26/8/2020 và của Bộ GD&ĐT.
Ngay từ tháng 3/2022, quận đã tập huấn về việc lựa chọn SGK cho các trường và hướng dẫn đến các giáo viên.
Tới đây, các trường học sẽ tổ chức tập trung học sinh, sẽ có họp phụ huynh, nhà trường phổ biến các công việc chuẩn bị cho năm học mới", bà Hằng nói.
Một giáo viên xin được giấu tên cũng chia sẻ, việc một trường học sử dụng SGK từ nhiều bộ khác nhau là đúng quy định "một chương trình nhiều bộ sách".
Các bộ sách khác nhau nhưng hướng đến kết quả giống nhau, đảm bảo yêu cầu của chương trình, phẩm chất và năng lực đạt được của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Vấn đề ở đây, các nhà trường ngoài việc đảm bảo các mục tiêu giáo dục nhưng nên nghĩ đến phụ huynh học sinh.
SGK chỉ là học liệu và giáo viên có thể tham khảo nhiều học liệu để giảng dạy, do vậy, các nhà trường cũng không nhất thiết đẩy cái khó về phía cha mẹ học sinh như vậy.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí