Bầu Đức, bầu Hiển và siêu kinh điển V.League
- 07:26 12-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu như HAGL sở hữu Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì đội hình Hà Nội FC ngập tràn những Quả bóng Vàng như Văn Quyết, Hùng Dũng. Khi hai giá trị tạo nên đối trọng của bóng đá Việt Nam đạt đến đỉnh cao phong độ thì màn so tài thượng hạng giữa họ được xem như siêu kinh điển V.League.
Quá khứ và hiện tại
Cách mà bầu Đức xây dựng “đế chế” HAGL từ năm 2002 cho đến nay và hướng đi mà bầu Hiển đã kinh qua để tạo nên “cơ nghiệp” mang tên Hà Nội FC sau đó 3 năm có nhiều điểm tương đồng. Công thức thành công cho phần móng bắt đầu từ chiến lược rải tiền mua sao. Năm 2002, trong thời điểm HAGL đang trải qua giữa mùa giải hạng Nhất, bầu Đức tiến vào trong phòng thay đồ của toàn đội. Ông Đinh Hồng Vinh, cựu cầu thủ HAGL nhớ mãi câu nói của bầu Đức khi ấy: “Ở lượt về, chúng ta sẽ có Kiatisak”.
Lần hiếm hoi trong lịch sử V.League, Hà Nội FC và HAGL đối đầu khi cả hai đang ở đỉnh bảng xếp hạng. |
Kiatisak không phải là cái tên duy nhất mà bầu Đức đưa về HAGL. Hàng loạt tuyển thủ quốc gia Thái Lan và Việt Nam như Dusit, Mạnh Dũng, Minh Đức… hiện diện tạo nên một “dream team” của phố Núi. HAGL vừa lên hạng lập tức vô địch V.League 2003 và 2004. Nói không ngoa, HAGL có thể xem là thế lực thập niên đầu V.League.
Với Hà Nội FC, con đường bầu Hiển lựa chọn để gây dựng đội bóng thủ đô cũng bắt đầu với công thức tương tự. Giai đoạn đầu, Hà Nội FC lần lượt chào đón những tuyển thủ và các ngoại binh chất lượng cao. Dương Hồng Sơn, Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, Cristiano, Gonzalo, Hoàng Vũ Samson là những tượng đài cho thành công của Hà Nội FC trong nhiều năm liền.
Sau những năm đi tắt đón đầu, cả hai đều có xu hướng “sản sinh” thay vì mua sắm ngôi sao. Năm 2007, bầu Đức quyết định chơi lớn. Sau cuộc nói chuyện với HLV Arsene Wenger về việc phát triển đào tạo trẻ, bầu Đức đã động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất 5 ha, khu đất trước đó đã trồng cao su đến kỳ thu hoạch.
Đằng đẵng hơn 1 thập niên, mỗi năm bầu Đức đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc vận hành trung tâm đào tạo này, chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý. Con số chính thức cụ thể chưa từng được "bầu" Đức cũng như phía Hoàng Anh Gia Lai công bố, dù vậy theo một số nguồn tin, ông đã phải chi ước chừng 76 triệu USD.
Không rầm rộ và hoành tráng như HAGL nhưng Hà Nội FC của bầu Hiển thông qua các lò đào tạo vệ tinh cũng bắt đầu trình làng những cầu thủ “gà nòi” từ năm 2016. Lần lượt Duy Mạnh, Quang Hải, Hùng Dũng, Đức Huy, Đình Trọng, Văn Kiên hiện diện trong đội hình Hà Nội FC. Kế đến, những Thành Chung, Việt Anh, Tuấn Hải, Văn Vĩ, Văn Đạt, Tiến Long là minh chứng cho sự gối đầu thế hệ, xoay quanh chất lượng đào tạo trẻ của Hà Nội FC trong nhiều năm liền. Hùng Dũng chia sẻ với người viết rằng “Cạnh tranh một vị trí ở Hà Nội FC còn khó hơn cả ĐTQG”. Câu nói ấy cũng đủ để thấy chiều sâu và chất lượng cầu thủ của Hà Nội FC tốt nhường nào.
Cực đỉnh và cực suy
Chiến lược tương đồng thành công không đến cùng lúc với cả hai. Với HAGL, vinh quang là ở thập niên đầu V.League. Còn với Hà Nội FC, hiển hách đến từ thập niên thứ hai của giải đấu số 1 Việt Nam. Hành trình về mặt phong độ khi Hà Nội FC và HAGL thi đấu cũng đi theo hướng ngược chiều nhau.
Khi Hà Nội FC liên tục làm mưa làm gió ở V.League với liên tục những chức vô địch và ngôi á quân thì HAGL thường xuyên phải đối diện với những mùa giải ngụp lặn ở nhóm dưới BXH. Từng có thời điểm, Trần Minh Vương phải thốt lên đầy thất vọng về tình hình của HAGL, với câu nói nổi tiếng: “Dành cả thanh xuân để trụ hạng”.
Dẫu vậy, quan điểm ấy bắt đầu đảo chiều vào năm 2021. Lần đầu tiên kể từ khi thăng hạng V.League, Hà Nội FC văng khỏi top 4 đội dẫn đầu. Vị trí thứ 7 chung cuộc sau 12 vòng đấu, trước khi V.League 2021 phải hoãn vô thời hạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể xem là một thành tích vô cùng tệ hại của Hà Nội FC. Đỉnh điểm cho điều đó là sự chia tay của HLV Chu Đình Nghiêm, vị thuyền trưởng thành công nhất trong lịch sử V.League.
Đúng ở thời điểm Hà Nội FC rơi xuống đáy của sự thất vọng thì HAGL lại lên đỉnh cao nhất của thành công. V.League 2021 chứng kiến một HAGL ấn tượng chưa từng thấy. Dưới tài lèo lái của Kiatisak, đội bóng phố Núi chiếm đỉnh bảng V.League cho đến khi mùa giải bị hủy bỏ vì COVID-19. 12 vòng đấu cũng chứng kiến hàng loạt thông số ấn tượng từ chuỗi chiến thắng (7 trận), chuỗi bất bại (11 trận), thời gian sạch lưới (515 phút), ghi bàn (23 bàn), thủng lưới (chỉ 9 bàn thua). Như nhiều đại diện đội bóng và giới chuyên môn, HAGL xứng đáng để được trao chức vô địch V.League 2021!
Sự đối lập giữa hai đối trọng này về phong độ và thành tích khiến người hâm mộ thật sự rất khao khát được chứng kiến một màn so tài thượng hạng khi cả hai đạt phong độ cao. Và trận đấu diễn ra ở vòng 11 tới đây là lần hiếm hoi cho điều đó. HAGL đang đứng thứ 2 V.League vớ mạch 5 trận liên tiếp toàn thắng. Tương tự, cũng với 5 trận liên tiếp giành 15 điểm tuyệt đối, Hà Nội FC ang vững vàng trên BXH. Hai gã khổng lồ vốn trái dấu nhau bỗng dưng lại đang so kè đầy máu lửa ở V.League. Trận siêu kinh điển ở V.League giờ mới thật sự diễn ra sau cả chục năm mòn mỏi đợi chờ.
Viễn cảnh trụ cột rời HAGL Có thể nói, thành tích ấn tượng của HAGL trong 5 vòng vừa qua đến từ sự nỗ lực của dàn trụ cột đội bóng phố Núi. Bởi có thể sau mùa giải năm nay, những Văn Thanh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn… sẽ không còn sát cánh bên nhau trong màu áo HAGL, điều mà vốn dĩ đã tồn tại xuyên suốt hơn 15 năm qua ở Trung tâm Hàm Rồng. Mới đây, tiền vệ Lương Xuân Trường đã thừa nhận: “Tôi chưa suy nghĩ chuyện tương lai. Tôi đang cố gắng dốc toàn bộ sự tập trung cho việc thi đấu cùng HAGL. Hy vọng là các cầu thủ hiện nay có thể chơi với nhau càng lâu càng tốt. Nếu chia tay thì điều gì đến cũng phải đến. Đấy là chuyện bình thường. Cá nhân tôi mong sẽ được thi đấu nhiều hơn nữa với các đồng đội và CLB. Do đó, mùa giải năm nay tôi sẽ rất trân trọng”. |
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân