Cảnh báo học sinh lo âu, trầm cảm sẽ tăng
- 07:19 12-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước thềm năm học mới, nhiều trường tiểu học, THCS tại Hà Nội đã bàn cách chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh trong trường học.
Sức ép đến từ phụ huynh
Một học sinh tại Hà Nội bật khóc khi chia sẻ về áp lực, trầm cảm tại Diễn đàn “Điều em muốn nói” do báo Tiền Phong phối hợp tổ chức. Ảnh: PV |
Cô giáo Phạm Ngọc Anh, Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, đồng phụ trách tư vấn tâm lý học đường, nói rằng, sau nhiều năm gắn bó, gần gũi với trẻ, cô nhận thấy các em đang yếu ớt về mặt thể chất, yếu đuối về tinh thần.
Nhiều em chia sẻ với cô giáo rằng bị bố mẹ “bỏ quên” khi họ đi làm từ sáng đến tối và lảng tránh những câu hỏi của con cái. Bố mẹ chỉ quan tâm con phải học thật nhiều, bao gồm cả học chính, học thêm. Do đó, mới 8 giờ sáng nhưng có học sinh đã thiếu ngủ, mệt mỏi nằm bò ra bàn.
“Thực tế mỗi ngày ngoài học 2 buổi ở trường, cuối tuần nhiều con vẫn phải đi học thêm, thử hỏi phụ huynh đã dành bao nhiêu thời gian cho các con rèn luyện sức khoẻ thể chất cũng như trò chuyện, giải quyết các vấn đề con đang lo lắng để khoẻ mạnh cả tinh thần. Khi trẻ cảm thấy lo lắng, áp lực, việc tiếp thu kiến thức cũng rất khó hiệu quả”, cô nói.
Một giáo viên dạy bậc tiểu học tại Hà Nội kể, cô không thể thuyết phục một phụ huynh đưa con có vấn đề tâm lý đi khám bác sĩ. Suốt năm học, em học sinh không thể tập trung học bài, không làm bài kiểm tra, đánh các bạn và chống đối giáo viên. Thế nhưng, phụ huynh vẫn nhất định cho rằng, con họ hoàn toàn bình thường.
Theo kết quả khảo sát gần đây do Bộ GD&ĐT tiến hành tại một số trường trung học, đại học ở Hà Nội, Hải Dương, 93,6% em được hỏi gặp phải những khó khăn trong học tập và đời sống cần phải chia sẻ. Năm ngoái, tại Hà Nội và một số địa phương khác đã xảy ra các trường hợp học sinh tự tử, nguyên nhân được cho là áp lực học tập và cuộc sống. |
Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ Tô Thị Hải Yến cho rằng, không đợi đến khi xảy ra sự cố liên quan sức khoẻ tinh thần học sinh mới cuống lên mà nhà trường phải quan tâm các em trong suốt thời gian năm học.
Ngoài việc học sinh tự tìm đến phòng tư vấn tâm lý, giáo viên chủ nhiệm chính là người gần gũi, theo sát các em để phát hiện những bất thường có thể có, từ đó có cách tiếp cận, chia sẻ và tháo gỡ.
Tại một buổi tập huấn, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, thực tế đáng báo động hiện nay là tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo không phải là cá biệt.
Ngoài ra, còn những hiện tượng như: quan hệ tình dục sớm, chụp ảnh khỏa thân tung lên internet để khẳng định mình, đe dọa bạn bè…
Ông Nam cảnh báo, năm học 2022-2023, học sinh trên toàn quốc đồng loạt trở lại trường sau đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới dự báo tỉ lệ học sinh bị tổn thương, lo âu, trầm cảm sẽ tăng gấp 3-5 lần. Ở nhà học trực tuyến kéo dài, không ít học sinh nghiện game, ôm thiết bị điện tử lên tới 10 giờ/ngày… nên khi ra đám đông, các em vẫn có cảm giác cô đơn, lạc lõng, mất kết nối.
Do đó, trong năm học mới, nhà trường phải tổ chức nhiều hoạt động để học sinh có cảm giác gắn kết với lớp học, thầy cô, bạn bè.
“Các nhà trường phải có giải pháp quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tinh thần chính cả giáo viên bởi thầy cô áp lực vì nhiều thủ tục trong công việc, thành tích cũng khó ứng xử với học sinh mềm mại, linh hoạt, chưa kể có nguy cơ bột phát hành vi lệch chuẩn”, ông khuyến cáo.
Vị chuyên gia cũng chỉ cho thầy cô cách nhận diện học sinh có vấn đề, cần được giúp đỡ như: chán nản kéo dài, bi quan, khả năng tập trung kém, có suy nghĩ về tự tử, hành động chậm chạp, mất ngủ… Ông cũng dẫn chứng số liệu khảo sát trong tháng 8/2021, có khoảng 40.000 người được cho là làm hại bản thân hoặc tự tử, trong đó thanh thiếu niên từ 11-17 tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất.
Xây dựng quy trình chăm sóc sức khỏe tinh thần
Về giải pháp, TS Nam cho rằng, các trường cần phải xây dựng quy trình chăm sóc sức khoẻ tinh thần học sinh, trong đó định kỳ năm 2 lần khảo sát, qua đó nắm thông tin. Ngoài ra, dựa vào đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, phát hiện sớm để có giải pháp. Với những tình huống đơn giản, cán bộ tư vấn tâm lý có thể trò chuyện, tư vấn những ca nặng như hoang tưởng, ảo giác cần chuyển tuyến đến bác sĩ thăm khám, điều trị.
“Điều đáng lo ngại là phụ huynh hiện chưa quan tâm tổn thương tinh thần của trẻ. Họ thường phớt lờ sự chia sẻ, quan tâm của con hoặc coi những biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi là chây ì, lười nhác, không có ý chí học tập”, ông nói.
Thạc sĩ Trần Đình Sơn, chuyên gia tâm lý và chuyên gia phương pháp học Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, cho rằng, sau kỳ nghỉ hè kéo dài, học sinh có thể đối diện cú sốc khi chịu áp lực thành tích học tập từ cha mẹ, trường lớp.
Do đó, cha mẹ, thầy cô đừng đòi hỏi con phải tiến bộ ngay trong học tập hay trong hòa nhập ngay với các bạn vì điều đó cần có thời gian. Nếu thấy con không ổn, cần chia sẻ xem trẻ có bị trêu chọc hay bị bắt nạt ở trường, lớp không. Cha mẹ cần phải kiềm chế các cơn cáu giận cũng như hạn chế những hoạt động căng thẳng sau giờ học vì trẻ rất mệt sau một ngày ở trường.
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong