Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh trượt lớp 10: Phụ huynh cầu cứu vì con không có chỗ học?

Dù công tác xét tuyển và công bố thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 đã được các trường THPT trên toàn tỉnh Đắk Nông hoàn tất, thế nhưng hiện nay nhiều học sinh vẫn chưa tìm được nơi học.

Phụ huynh "cầu cứu" vì con rớt cấp 3

Cuối tháng 7, một phụ huynh tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã đăng tải một bài viết, chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc con không trúng tuyển vào trường THPT trên địa bàn.

Theo phụ huynh này, cả huyện chỉ có một trường THPT nhưng học sinh trên địa bàn huyện lại không có cơ hội vào học vì thiếu giáo viên và nhà trường đã tuyển đủ học sinh.

Vị phụ huynh bức xúc cho rằng nếu trường (trường THPT Lê Quý Đôn- PV) không nhận học sinh thì những em học sinh bị dôi dư ra sẽ không biết phải làm như thế nào khi năm học mới đã cận kề.

 Những chia sẻ của phụ huynh khi hồ sơ xét tuyển của con trai bị nhà trường trả về (Ảnh chụp màn hình).

Ngay sau đó, trường THPT Lê Quý Đôn đã thông báo tuyển sinh bổ sung vào lớp 10 ngoài chỉ tiêu được giao. 35 học sinh đã tham gia dự tuyển vào lớp 10 nhưng không trúng tuyển đợt 1 (trong đó có trường hợp con của phụ huynh trên), nếu có nguyện vọng học tập tại trường thì được tham gia xét tuyển đợt 2.

Trường hợp trên không phải duy nhất tại Đắk Nông, bởi năm học 2022-2023, hầu hết các trường THPT đều gặp áp lực về tuyển sinh lớp 10. Không chỉ riêng những trường trung tâm, nhiều trường học vùng sâu - nơi những năm trước tuyển thiếu học sinh - thì năm nay đều có số lượng hồ sơ xét tuyển tăng vọt, buộc phải xin chủ trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Thầy Lê Văn Hà - Hiệu trưởng trường THPT Đắk Glong (huyện Đắk Glong) - cho biết trên địa bàn huyện có 2 trường THPT và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Hàng năm, 3 cơ sở giáo dục này cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh trên địa bàn huyện, thế nhưng năm nay số lượng hồ sơ tăng, dẫn đến áp lực tuyển sinh cho các trường.

"Nếu như ở một số địa phương, khi học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT thì có thể vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, tuy nhiên tại huyện Đắk Glong, đơn vị này lại không dạy văn hóa nên các em muốn học tiếp thì phải đi nơi khác. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhà trường đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT tỉnh, xét tuyển thêm 54 học sinh. Số học sinh trượt đợt 2, nhà trường tư vấn để các em chuyển sang học nghề hoặc xét tuyển vào các cơ sở giáo dục khác", thầy Hà nói.

Tương tự, thầy Vương Xuân Trung, Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu (huyện Cư Jút) cho biết những năm học trước, nhà trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, riêng năm học 2022-2023, số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường lại vượt.

"Theo nhận định, có thể số lượng hồ sơ xét tuyển tăng chỉ xảy ra trong năm học này nên nhà trường tiếp nhận hết học sinh trên địa bàn tuyển sinh. Tuy nhiên, đối với trường dôi dư nhiều hồ sơ, việc tuyển hay không tuyển các em sẽ là một vấn đề nan giải", thầy Trung cho biết thêm.

Phân luồng học sinh chưa hiệu quả !?

Nhìn nhận thực tế số lượng học sinh "trượt" lớp 10 vẫn còn cao, một hiệu trưởng trường THPT nêu quan điểm, ngoài gia tăng dân số cơ học thì công tác định hướng, phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ở cấp trung học cơ sở vẫn chưa đạt hiệu quả cao, cùng với suy nghĩ cố hữu "phải học THPT" của nhiều phụ huynh, học sinh.

"Nhà trường, nhất là giáo viên cần có những định hướng để các em lựa chọn một nơi học phù hợp. Có thể các em phù hợp với học nghề, học "9+" nhưng vì thấy bạn bè vào cấp 3 nên cũng muốn học theo. Điều đó vừa gây áp lực cho công tác tuyển sinh, vừa cản trở trong việc định hướng tương lai, nghề nghiệp của chính các em", vị lãnh đạo trường THPT bày tỏ suy nghĩ.

 Một phụ huynh học sinh dò tìm tên con trai của mình trong danh sách trúng tuyển vào trường THPT Đắk Glong.

Liên quan đến công tác tuyển sinh hàng năm, ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng, địa phương này tiếp tục thực hiện "Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". 70% học sinh sẽ được định hướng học tiếp bậc THPT, 30% được định hướng học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề để phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Qua thống kê, rà soát, năm học 2021-2022, có hơn 10.000 học sinh của tỉnh hoàn thành bậc THCS. Theo đề án tuyển sinh thì 70% trong số này sẽ được định hướng học tiếp bậc học THPT, tuy nhiên UBND tỉnh đã phê duyệt tuyển sinh khoảng 8.000 em. Những em không trúng tuyển, được tư vấn học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.

 Để hạn chế tình trạng trượt lớp 10, tránh ảnh hưởng tâm lý của học sinh, các trường cần làm tốt đề án phân luồng học sinh.

Theo ông Hải, để hạn chế tình trạng trượt lớp 10, tránh ảnh hưởng tâm lý của học sinh, các trường cần làm tốt đề án phân luồng học sinh, trong đó tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh và hướng nghiệp cho học sinh tại THCS. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp rất cao và những em trưởng thành từ môi trường này đều có cơ hội việc làm.

"Ngày 2/8, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Ngành giáo dục đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp đồng thời động viên, khuyến khích các em học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập có thể chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên- giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, trung cấp để theo học", ông Hải cho hay.

Tác giả: Đặng Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí