Cán bộ coi thi cần linh động hơn sau vụ thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên
- 08:32 06-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo TS Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Giáo dục, vụ việc nam sinh ở Cà Mau bị 0 điểm môn Tiếng Anh do ngủ quên trong phòng thi là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, dựa trên những chi tiết giải trình của hai cán bộ coi thi và soi chiếu theo quy chế, chúng ta rất khó quy hoàn toàn trách nhiệm cho họ.
TS Trung cũng nói thêm rằng nếu tiếp tục truy vấn các giám thị theo chiều hướng tiêu cực, dễ tạo ra luồng ý kiến khác. Nam sinh ngủ quên sẽ bị chỉ trích là đã đủ 18 tuổi nhưng chưa đủ nhận thức về tầm quan trọng của kỳ thi và chưa biết chịu trách nhiệm cho bài thi của mình. Đấy cũng là một vấn đề cần tránh để không gây thêm tranh cãi.
“Nếu chúng ta rập khuôn máy móc khi dùng quy chế để làm căn cứ phân bua, giải thích, trường hợp này sẽ mãi là một câu chuyện ồn ào không có hồi kết”, TS Trung nói với Zing.
Cái khó của cán bộ coi thi
Là người có nhiều kinh nghiệm làm giám thị phòng thi, thầy Đào Tuấn Đạt, cán bộ phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), nhận thấy công tác trông thi hiện nay có hai vấn đề cần được cải thiện.
Thứ nhất là quá trình tập huấn cho cán bộ, giám thị phòng thi. Quy chế, quy định liên quan việc thi cử khá nhiều, nhưng người phổ biến quy chế không giải thích cặn kẽ mà chỉ đọc từ đầu đến cuối và không chốt lại vấn đề. Chính tình trạng này khiến không ít giáo viên không thể nắm được hết quy chế và dễ mắc lỗi trong quá trình coi thi.
Thứ hai là về công tác trông thi. Đa số giáo viên cố gắng làm đúng quy định và giữ không gian yên tĩnh cho thí sinh làm bài. Giám thị cũng là người phải đảm bảo thí sinh điền đủ thông tin cá nhân trên tờ giấy thi, tránh gây sai sót đáng tiếc. Tuy nhiên, không ít giám thị nói nhiều, gây ảnh hưởng tâm lý và không khí làm bài của thí sinh.
Cán bộ phòng thi cần chủ động xử lý các tình huống phát sinh. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Do đó, thầy Đạt cho rằng nhiệm vụ của giám thị không chỉ là làm đúng quy định, quy chế phòng thi, cần chủ động xử lý các tình huống phát sinh. Học sinh ở trong trạng thái thi cử rất dễ căng thẳng, dẫn đến điền sai thông tin hoặc gặp vấn đề sức khỏe. Cán bộ phòng thi phải chủ động, quan sát cụ thể các em, giúp thí sinh tránh hoặc xử lý sớm vấn đề này.
Từng là cán bộ coi thi, cô Tú Anh (giáo viên tại TP.HCM) nói rằng giáo viên trông thi cũng có cái khó riêng. Theo quy định, giám thị có nghĩa vụ đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng quy trình, thông tin đầy đủ về quy chế thi đến thí sinh, đồng thời đảm bảo không để xảy ra hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử.
Nếu làm sai quy chế phòng thi, giám thị sẽ bị phạt. Vì thế, cô Tú Anh rất ngại giao tiếp riêng hay đụng chạm với thí sinh trong phòng thi, trừ trường hợp cần thiết, ví dụ nhắc nhở thí sinh đó phải tuân thủ đúng quy chế thi.
Theo quan điểm của cô Tú Anh, trong vụ việc bị điểm 0 do ngủ quên ở Cà Mau, nam sinh đó cũng có một phần lỗi nên không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho hai cán bộ phòng thi. Điều quan trọng hiện nay là cơ quan chức năng cần biết cách rút kinh nghiệm để tránh lặp lại vấn đề tương tự vào những kỳ thi sắp tới.
Nên điều chỉnh quy chế thi cho phù hợp
TS Cù Văn Trung nhận định trường hợp nam sinh ngủ quên trong phòng thi và nhận điểm 0 là trường hợp hy hữu, là một cái “bẫy” tự nhiên của đời sống. Do đây là một cái bẫy, những người có trách nhiệm liên quan chưa thể tìm phương án phù hợp để giải quyết ngay trong thời điểm đó. Ông đề xuất từ vụ việc này, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh và cập nhật những quy định liên quan để ứng dụng trong các năm tới.
Đồng thời, bộ cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của nhà giáo trong việc giám sát, hướng dẫn toàn bộ quá trình học sinh làm bài thi. Trong các đợt tập huấn hàng năm, bộ và các sở, ban ngành có thể đặt ra những tình huống mới để tìm ra sáng kiến xử lý phù hợp.
TS đề xuất các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT cần bổ sung trống hoặc chuông báo hiệu sắp hết giờ làm bài. Nếu được, các điểm thi có thể lắp thêm camera quan sát để theo dõi tình hình trong phòng thi.
Trong khi đó, thầy Đào Tuấn Đạt cho rằng những trường hợp phát sinh trong phòng thi là muôn hình vạn trạng và không thể liệt kê hết trong quy chế phòng thi. Do đó, giám thị chính là người cần biết linh động để ứng phó kịp thời với những tình huống bất ngờ.
Nếu bổ sung quy chế, thầy Đạt nói Bộ GD&ĐT chỉ cần bổ sung quy định cho cán bộ phòng thi về việc quan sát quá trình thí sinh làm bài và kỹ năng xử lý tình huống. Trong quá trình phổ biến quy chế cho giám thị, người phổ biến cũng phải có trách nhiệm nhấn mạnh, đưa ra kết luận rõ ràng để các giám thị nắm rõ thông tin. Khi coi thi, giám thị phải chủ động, bao quát phòng thi, để ý các biểu hiện bất thường của thí sinh để nhanh chóng xử lý.
Thầy giáo nhấn mạnh sự hỗ trợ của giám thị trong trường hợp này là hỗ trợ thí sinh điền đúng, đủ thông tin hoặc hỗ trợ các em nếu gặp vấn đề sức khỏe chứ không phải giúp các em làm bài thi.
Về trường hợp của nam sinh ở Cà Mau, cán bộ phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đề xuất Bộ GD&ĐT có thể xem xét quy đổi điểm tốt nghiệp nếu em này có chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu không được, nam sinh buộc phải chờ năm sau thi lại vì điểm thi đã được công bố, địa phương không thể tổ chức kỳ thi riêng để em thi lại.
Tác giả: Thái An - Ngọc Bích
Nguồn tin: zingnews.vn