Tháng Ngâu, vẫn có nhiều mẫu xe liên tiếp đội giá, bán bia kèm lạc tới hàng trăm triệu đồng
- 16:10 05-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Ô tô đội giá, bán bia kèm lạc
Thị trường ô tô trong thời gian qua đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip và các bộ phận quan trọng khiến sản xuất bị thu hẹp, nguồn hàng thiếu hụt đẩy giá ô tô tăng chóng mặt.
Đáng chú ý, những mẫu xe được nhiều khách hàng tìm mua như Toyota Raize, Veloz; Huyndai Tucson, Santa fe; For Ranger; SUV Everest... đang được các đại lý tăng giá bán từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng.
Đơn cử như hãng xe sang Mercedes-Benz đầu tháng 7 đã công khai điều chỉnh tăng giá bán loạt xe trong danh mục sản phẩm của hãng. Mercedes-Benz E 300 AMG là mẫu xe ghi nhận mức tăng cao nhất lên đến 179 triệu đồng, đẩy giá xe từ 2,95 tỷ đồng lên 3,129 tỷ đồng. Mercedes-Benz E 200 Exclusive 2022 tăng 160 triệu đồng kéo giá lên 2,470 tỷ đồng. Bản tiêu chuẩn E 180 cũng ghi nhận mức tăng giá 49 triệu đồng lên 2,099 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Gần đây nhất, ngay từ ngày đầu tiên của tháng 8, cặp đôi MPV Toyota Avanza Premio và Toyota Veloz Cross đã điều chỉnh giá bán với mức chênh lệch 10 triệu đồng.
Cụ thể, mẫu xe Toyota Veloz Cross phiên bản CVT sẽ có giá 658 triệu đồng và Top CVT được bán với giá 698 triệu đồng. So với các bản màu sơn khác, phiên bản màu trắng ngọc trai của Veloz Cross vẫn có giá cao hơn 8 triệu đồng. Trong khi đó, Toyota Avanza Premio với 2 phiên bản MT và CVT lần lượt có giá tương ứng là 558 triệu và 598 triệu đồng.
Nhiều hãng xe cho biết, nguyên nhân tăng giá đến từ việc điều chỉnh động cơ để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Bên cạnh đó, nguồn cung cứng đứt gãy, chi phí logistics khó khăn khiến hãng xe buộc phải có sự điều chỉnh về giá bán.
Không chỉ tăng giá tại hãng nhiều mẫu xe hot còn bị đại lý "bán bia kèm lạc" với lý do khan hàng. Theo đó, Ford Everest 2022 ghi nhận mức chênh cao lên đến 100 triệu đồng tại các đại lý. Hai mẫu xe gầm cao của Hyundai là SantaFe và Tucson vẫn chưa hết hot khi có mức chênh tại các đại lý đang ở mức 100-150 triệu đồng. Hay như Toyota Raize 2022 cũng đang bị các đại lý bán kèm với các gói phụ kiện trị giá 50-60 triệu đồng. Tuy nhiên, dù đã chấp nhận mức lạc nhưng khách hãng vẫn phải chờ đợi 3-4 tháng mới có xe.
Ô tô sẽ tiếp tục khan hiếm
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, lượng xe ô tô được nhập khẩu về Việt Nam đạt con số 63.731 xe các loại với tổng giá trị gần 1,573 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã giảm 21,4% về lượng và giảm 14,4% về giá trị.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ đạt 201.840 xe các loại, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xe du lịch đạt 157.935 xe, tăng 50%; xe thương mại 40.498 xe, giảm 5% và xe chuyên dụng là 3.407 xe, tăng 12% so với năm 2021.
Kết quả doanh số này có được chủ yếu nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ trong nước đối với xe lắp ráp đã kết thúc từ cuối tháng 5/2022. Tuy nhiên, ngay sau khi chính sách này kết thúc thị trường ô tô Việt Nam đã chững lại và bắt đầu sụt giảm.
Các chuyên gia trong ngành dự báo tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài, ít nhất là đến hết năm 2022. Cùng với đó, nhiều hãng sản xuất xe trên thế giới cũng đang lên kế hoạch và thực hiện các giảm sản lượng khi chưa tìm giải quyết được bài toán chuỗi cung ứng.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định thị trường ô tô cuối năm sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tùy thuộc vào tình hình kinh tế́, chính trị thế giới, cũng như khả năng đảm bảo nguồn cung ứng trong nước. Đồng thời, tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ còn tiếp diễn và tình trạng xe đội giá vẫn còn hiện hữu khi càng về cuối năm nhu cầu càng tăng cao.
Tác giả: Quỳnh Anh
Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế