Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, vì sao Petrolimex vẫn lỗ?
- 07:15 04-08-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giá vốn tăng cao, kinh doanh xăng dầu thua lỗ
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy các chỉ tiêu kết quả kinh doanh diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước leo thang theo chiến sự Nga - Ukraine giai đoạn nửa đầu năm.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II đạt 84.367 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh gấp 1,9 lần lên 81.965 tỷ đồng, tương đương hơn 97% doanh thu thuần dẫn tới lợi nhuận gộp đạt được chỉ ở mức 2.403 tỷ đồng, bằng 56,8% kết quả của cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,2 lần, đạt 416 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng tới 2,9 lần lên 512 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
(Biểu đồ: Mai Chi). |
Theo đó, trong quý II vừa rồi, mặc dù giá bán trên thị trường tăng mạnh nhưng Petrolimex lại ghi nhận lỗ thuần hơn 295 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh (cùng kỳ có lãi 1.829 tỷ đồng).
Sau khi cộng thêm gần 17 tỷ đồng lợi nhuận khác, Petrolimex lỗ trước thuế 279 tỷ đồng và lỗ sau thuế 141 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 196 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.498 tỷ đồng).
Nửa đầu năm hoàn thành 10% kế hoạch
Lũy kế nửa đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất (của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí) đạt 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
Theo Petrolimex, doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng đầu năm nay là 101,7 USD/thùng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021 (giá bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 77,2 USD/thùng).
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 293 tỷ đồng, chỉ đạt 10% kế hoạch và bằng 1/10 kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Lãi sau thuế nửa đầu năm ở mức 302 tỷ đồng, giảm 87%.
Trong mức lãi trước thuế khiêm tốn của 6 tháng đầu năm nay, mảng xăng dầu lỗ nặng 595 tỷ đồng với việc sản lượng bán xăng dầu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ 2021.
Đại gia kinh doanh xăng dầu thoát lỗ nhờ các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu có 888 tỷ đồng.
(Biểu đồ: Mai Chi). |
Trong đó, lợi nhuận lĩnh vực hóa dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 369 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh gas đạt 79 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực vận tải viễn dương, vận tải đường sông, vận tải bộ đạt 43 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực nhiên liệu hàng không đạt 91 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng đạt 138 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh kho đạt 112 tỷ đồng; lợi nhuận từ các lĩnh vực khác như xây lắp, cơ khí, thiết bị, hạ tầng, tin học, xuất nhập khẩu, dịch vụ… đạt 56 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, Petrolimex nộp ngân sách tổng cộng 21.393 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tồn kho 22.479 tỷ đồng
Tổng tài sản của Petrolimex vào cuối quý II là 81.049 tỷ đồng, tăng 16.258 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu ghi nhận mức tăng mạnh tại giá trị hàng tồn kho, các khoản phải thu của khách hàng và giá trị đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn).
Đáng chú ý, tập đoàn này còn 22.479 tỷ đồng hàng tồn kho tại thời điểm 30/6, tăng mạnh gấp 1,8 lần so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp phải trích dự phòng giảm giá (hợp nhất) tới 1.331 tỷ đồng, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm ngày 1/1.
Nợ phải trả cũng tăng 18.398 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, ở mức 54.929 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý II, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 53.671 tỷ đồng.
Petrolimex cho hay, trong quý II, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu của Nga làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường.
Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý II lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó giảm sâu còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.
Petrolimex cho hay, trong kỳ, doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho xã hội, đảm bảo không bị đứt gãy việc cung ứng xăng dầu cho nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp tại những thời điểm khó khăn. Do đó, biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý II vừa rồi bị suy giảm lớn.
Do giá xăng dầu từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được đối với lượng hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị trích lập dự phòng 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay của công ty mẹ là 295 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 1.551 tỷ đồng.
Bán vốn ngoài ngành, hoàn thiện tái cơ cấu tập đoàn
Lãnh đạo Petrolimex cho hay, trong quý III tới, tập đoàn này sẽ phải tăng cường công tác quản trị hàng tồn kho, từng bước đưa giải pháp quản trị hàng tồn kho vào vận hành thực tế; đồng thời khẳng định, vẫn sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sản xuất kinh doanh, đàm phán và tạo nguồn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho xã hội.
Toàn bộ cổ phần mà Petrolimex nắm giữ tại PG Bank sẽ được đấu giá trong quý III tới (Ảnh: PGB). |
Doanh nghiệp dự kiến triển khai đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số, trước mắt tập trung tự động hóa hệ thống kho xăng dầu và tại cửa hàng, đồng thời triển khai chương trình bán hàng toàn quốc qua ứng dụng của Petrolimex...
Petrolimex cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy và gia tăng sản lượng bán lẻ không dùng tiền mặt cùng với đẩy mạnh nhận diện thương hiệu giai đoạn 2 trên toàn hệ thống Petrolimex, nghiên cứu triển khai phát triển dự án trạm dịch vụ xe tải.
Tập đoàn dự kiến sẽ có đánh giá rà soát để có các giải pháp tiết giảm chi phí trên tất cả các lĩnh vực nhằm tăng hiệu quả kinh doanh như: Triển khai dự án quản lý phương tiện tập trung (DOC), chương trình quản trị tài sản (PM), chương trình quản trị khách hàng (CRM)…
Lãnh đạo tập đoàn này cho biết thêm, tập đoàn sẽ hoàn thiện đề án cơ cấu lại tập đoàn, triển khai thực hiện có hiệu quả việc thoái vốn tại các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh hiệu quả chưa cao. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng tòa nhà Petrolimex, triển khai các dự án đã được phê duyệt về đầu tư mới, đầu tư nâng cấp hệ thống kho, cảng, đường ống, đầu tư trang thiết bị công nghệ… nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex (PG Bank - mã chứng khoán: PGB) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Petrolimex tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại sở giao dịch chứng khoán.
PG Bank dự kiến tổ chức đấu giá trong quý III này. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số cổ phần của PG Bank là 300 triệu cổ phần, trong đó Petrolimex nắm giữ 120 triệu cổ phần, tương ứng 40%.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí