“Cha đẻ” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam: Đừng kiểu “ra ngõ gặp Hoa hậu”
- 08:58 27-07-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Người Đưa Tin (NĐT): Chào ông, với tư cách là người khởi xướng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông đánh giá thế nào khi trong năm 2022 có gần 20 cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ trong nước?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam) là "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. |
NĐT: Ông có theo dõi các cuộc thi Hoa hậu vừa qua không, ông thấy chất lượng các cuộc thi này thế nào?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi không theo dõi tất cả các cuộc thi mà chỉ quan tâm đến các cuộc thi Hoa hậu lớn, có uy tín nhưng vẫn biết có những cuộc thi tổ chức chưa chuyên nghiệp. Tôi thấy hiện nay, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng Hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất nghiêm túc của những cuộc thi và gây ra những hiểu lầm với công chúng trong thời gian gần đây. Các cuộc thi nên có những quy định rõ danh hiệu, danh xưng: Cuộc thi nào cấp quốc gia mới gọi là Hoa hậu, còn cuộc thi cấp tỉnh thì nên gọi là Hoa khôi, cuộc thi cấp ngành nên nên gọi là người đẹp… Cuộc thi nào cũng gọi là Hoa hậu thì sẽ loạn danh xưng, đừng kiểu “ra ngõ gặp Hoa hậu” như thời gian qua.
NĐT: Ông nghĩ gì khi có những cuộc thi Hoa hậu, người tham dự chỉ cần nộp một số tiền nhất định là vào thi?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi thấy buồn cười, các cuộc thi này đi ngược với mục đích cuộc thi Hoa hậu Việt Nam những năm đầu tiên: Đó là tôn vinh cái đẹp của người con gái Việt Nam, tạo nên một ngày hội văn hoá hấp dẫn, các cô gái ở biên giới, hải đảo cũng tham gia. Nếu thi mà phải nộp tiền thì e rằng không ổn, Ngày trước chúng tôi phải bỏ tiền ra tổ chức để giúp thí sinh ăn ở, đi lại, thí sinh không phải nộp bất cứ gì cả.
NĐT: Theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu chỉ cần UBND tỉnh, TP nơi diễn ra thi chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông nghĩ gì về quy định này?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Nghị định thì không sai, nhưng cần có hậu kiểm, nếu tỉnh thành tổ chức cuộc thi không tốt thì phải chịu trách nhiệm, nếu làm sai sẽ bị phạt BTC cuộc thi đó, phạt thật nặng vào, hoặc cấm tổ chức và tước vương miện, như vậy mới có những cuộc thi nghiêm túc.
Thêm nữa, cũng cần quy định, những đơn vị nào mới được cấp phép biểu diễn các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp, không phải ai cũng có quyền cấp phép. Phải là các đơn vị quản lý về văn hoá, các cơ quan liên quan đến văn hoá phải am hiểu văn hoá và phải có kinh nghiệm, kinh phí, phải tôn vinh cái đẹp lên hàng đầu… chứ không phải để “loạn” như thời gian qua.
NĐT: Mới đây, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) cho biết, đơn vị này sẽ chỉ đạo xử lý các cuộc thi hoa hậu vi phạm, ông nghĩ gì về điều này?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Theo tôi, Nghị định 144/2020/NĐ-CP phải bổ sung 3 điều: Một là, những đơn vị nào mới được cấp phép biểu diễn, hai là danh xưng làm sao để không bị “loạn”, ba là vấn đề hậu kiểm. Nếu làm tốt được 3 điều này thì các cuộc thi sẽ được diễn ra chuyên nghiệp, trật tự hơn.
Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 có tới 6 Á hậu, BTC cuộc thi này đã bị phạt 20 triệu đồng do hành vi tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được cấp phép. |
NĐT: Ông nghĩ thế nào về Nghị định 144/2020/NĐ-CP bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Quan điểm của riêng tôi, các cuộc thi Hoa hậu nên giữ quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, chúng ta nên tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt Nam, nếu thi Hoa hậu mà thí sinh “dao kéo” thì cuộc thi không công bằng, nếu người có tiền phẫu thuật thẩm mỹ đẹp lên còn những người ở vùng sâu vùng xa, ở miền quê nghèo không có điều kiện dùng “dao kéo” thì sao? Vậy là cuộc thi Hoa hậu chỉ dành cho những người giàu có, ăn trắng mặc trơn sao?
NĐT: Thời gian gần đây, có nhiều cuộc thi sắc đẹp mời ông làm giám khảo không?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Năm 2022, có khá nhiều các cuộc thi sắc đẹp mời tôi làm giám khảo, nhưng tôi không tham gia. Có 2 lý do: Tôi đã ngồi ghế “nóng” nhiều cuộc thi rồi: 20 năm ngồi giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, rồi cuộc thi Hoa hậu Asean, rồi đi các nước Bắc Âu chấm thi nữa… đã đến lúc tôi nghỉ ngơi. Thứ 2 là với những cuộc thi mới, tôi không biết họ tổ chức thế nào, nhỡ họ không tôn vinh cái đẹp mà tổ chức với mục đích khác thì sao?
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tác giả: Đinh Lạc Thành
Nguồn tin: nguoiduatin.vn