Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lời khai nhóm điều hành đường dây cho vay lãi nặng hơn 1.800 tỷ đồng

Sau khi thành lập công ty công nghệ, Huyền và đồng phạm sử dụng gần 300 ứng dụng trên điện thoại di động để cho 159.000 người vay lãi nặng hơn 1.800 tỷ đồng.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2022/07/22/lk.mp4[/presscloud]

Đột kích sào huyệt của đường dây tín dụng đen ở Lào Cai, cảnh sát thu giữ hàng chục máy tính, điện thoại, cùng tài liệu liên quan.

Ngày 22/7, Công an tỉnh Lào Cai thông tin thêm về chuyên án triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng điện thoại di động, liên quan hơn 40 người ở nhiều địa phương.

Đầu năm 2021, Công an TP Lào Cai phát hiện một nhóm nghi cho vay theo hình thức tín dụng đen qua ứng dụng trên điện thoại di động. Đường dây này hoạt động ở Lào Cai và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, sử dụng công nghệ cao và có sự chỉ đạo, điều hành của người nước ngoài.

Sau khi thu thập chứng cứ, ngày 26/1/2021, Công an Lào Cai lập chuyên án mang bí số 121H, phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an để phá án.

Sáng 12/7, Ban chuyên án huy động 120 cảnh sát đồng loạt triệu tập, khám xét 5 địa điểm liên quan nhóm nghi phạm tại TP Lào Cai. Tại căn nhà trên đường đường Hoàng Văn Thụ, phường Cốc Lếu, cơ quan chức năng bắt giữ nghi phạm cầm đầu là Phạm Thị Huyền (32 tuổi, người địa phương) cùng 17 nhân viên cấp dưới đang có hành vi đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ.

 Công an làm việc với Phạm Thị Huyền. Ảnh: Thanh Tuấn.

Khi khám xét nhà của Huyền, lực lượng chức năng phát hiện thêm 11 người liên quan, thu giữ nhiều vật chứng, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ của nhóm này.

Quá trình làm việc, Huyền cùng nhóm nghi phạm khai đã lập các bộ phận chuyên trách đặt tại 3 địa phương. Cụ thể, bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TP.HCM. Bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ, thu hộ tại Hà Nội. Còn bộ phận nhắc nợ, thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai.

Ngoài Phạm Thị Huyền, 2 người khác tham gia điều hành đường dây, gồm Nguyễn Thị Hoài Thương (29 tuổi) và Chống Ngọc Phụng (23 tuổi, cùng trú TP.HCM).

Nhóm cầm đầu khai sau khi lập Công ty TNHH công nghệ Funmobi, họ đã sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (Vndong, Hitien, Zdong, Hvay...), liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính Fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất khoảng 2.090%/năm.

 Nhà chức trách xác định hơn 40 người liên quan vụ án. Ảnh: Thanh Tuấn.

Nếu khách hàng chậm trả nợ, Huyền và đồng phạm sẽ cử nhân viên liên lạc để nhắc nợ. Sau đó, nhóm này sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè để thu hồi được khoản vay.

Các nghi phạm còn khai đã áp dụng phí phạt quá hạn là 6% của khoản vay đối với những người chậm trả tiền.

Cơ quan công an xác định sau gần 2 năm hoạt động, đường dây của Huyền đã cho khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng với tổng số tiền trên 1.800 tỷ đồng. Trong đó, tiền đã giải ngân là 659 tỷ. Số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830 tỷ đồng. Trong đó, tổng phí phạt là 9,87 tỷ đồng.

Với những cáo buộc trên, nhà chức trách cho rằng đường dây tín dụng đen này đã chiếm hưởng trái phép hơn 322 tỷ đồng.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: zingnews.vn