Bali tìm cách ngăn du khách khỏa thân ở các điểm linh thiêng
- 07:26 20-07-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi đăng bức hình khỏa thân bên gốc cây thiêng 700 năm tuổi tại Bali (Indonesia), Alina Fazleeva, influencer người Nga, không lường trước làn sóng phản đối từ cư dân địa phương.
Người dân địa phương coi tấm hình check-in của nữ du khách là sự xúc phạm tín ngưỡng bản địa. 2 ngày sau, chính quyền Bali quyết định trục xuất Fazleeva cùng chồng cô vì thiếu tôn trọng văn hóa địa phương.
"Dù họ đã xin lỗi, chúng tôi vẫn không thể tha thứ. Việc làm của họ đã bôi nhọ quy định, hình ảnh du lịch Bali trong mắt thế giới", Thống đốc Bali I Wayan Koster nói.
Vợ chồng influencer người Nga bị trục xuất khỏi Bali hồi tháng 5 vì tấm ảnh khỏa thân dưới gốc cây cổ thụ 700 năm tuổi. Ảnh: Sonny Tumbelaka/YNA/AFP. |
Đây không phải trường hợp trục xuất du khách đầu tiên mà chính quyền Bali buộc phải thực hiện. Chỉ một tuần trước vụ việc của Fazleeva, giới chức địa phương đã điều tra du khách người Canada là Jeffrey Craigen do quay clip nhảy múa trên núi Batur, ngọn núi linh thiêng nhất của Bali, trong tình trạng khỏa thân.
Tình trạng du khách quốc tế có hành xử khiếm nhã ở nhiều quốc gia Đông Nam Á không hiếm. Nay khi du lịch Bali dần khôi phục sau dịch, nhiều cư dân địa phương e ngại tình trạng người nước ngoài khỏa thân tại địa điểm du lịch sẽ tăng lên.
Megasari Noer Fatanti, nhà nghiên cứu truyền thông ĐH Bang Malang (Indonesia), nói với VICE: "Cư dân địa phương chẳng thể làm gì bởi họ phụ thuộc vào du lịch".
Ravinjay Kuckreja, nhà nghiên cứu về các tôn giáo bản địa tại Bali, ví hòn đảo này như một "bảo tàng sống".
"Người dân Bali vẫn gìn giữ vẹn nguyên những thực hành văn hóa của họ. Dù mở cửa đón du khách mọi nơi, họ vẫn bảo tồn các giá trị đặc trưng mình", Kuckreja kể.
Mặc dù việc khỏa thân được bình thường hóa trong nghệ thuật truyền thống ở Bali, hành vi chụp ảnh khiếm nhã ở nơi linh thiêng vẫn là điều cấm kỵ.
"Lúc những du khách không tôn trọng thần linh, đi ngược lại các giá trị văn hóa bản địa, người dân địa phương sẽ coi đó là hành động xúc phạm và không thể tha thứ", Kuckreja nói.
Jeffrey Craigen đã bị trục xuất khỏi Bali. Ảnh: AFP. |
Sau vụ việc chụp ảnh, quay clip khỏa thân của Fazleeva và Craigen, người dân nơi này đã lập tức tiến hành nghi thức thanh tẩy trên cây thiêng và núi Batur, xin lỗi các linh hồn ngụ trong khu vực.
Để tránh cảnh này tái diễn, hàng chục camera an ninh đã được lắp đặt xung quanh đền Ulun Danu Beratan, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Bali.
Bên cạnh hàng loạt vụ du khách khỏa thân, chính quyền địa phương cũng nhận vài báo cáo về việc người nước ngoài có hành vi liều lĩnh, gây mất trật tự an ninh.
Năm 2020, một influencer đến từ Nga đã ghi lại cảnh mình lái mô tô lao xuống biển và đăng tải lên mạng xã hội. Năm ngoái, 2 YouTuber đã thực hiện một trò đùa bằng cách vẽ khẩu trang lên mặt và bước vào tiệm tạp hóa, dù chính quyền Bali yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Trước hàng loạt vụ việc tương tự, người dân địa phương dần mất kiên nhẫn. Niluh, một cư dân địa phương, đã thể hiện sự bất bình lên Instagram cá nhân.
"Chúng tôi mong bạn có khoảng thời gian vui vẻ khi nghỉ dưỡng ở đây. Nhưng, nếu không tôn trọng văn hóa của chúng tôi, thứ chờ đợi các bạn sẽ là hình phạt", cô kể.
Chia sẻ với VICE, Niluh nói Bali xứng đáng được nhìn nhận như một điểm vui chơi, du lịch đáng giá và giàu giá trị văn hóa.
"Tôi cảm thấy rất khó chịu. Nếu những hành vi ấy bị cấm hay coi là không hợp lẽ ở quốc gia của họ, đừng làm điều đó ở đất nước của tôi. Chỉ vậy thôi", cô nói thêm.
Mặt khác, Kuckreja cũng cho rằng phần lớn du khách đến Bali chưa hiểu biết đủ về truyền thống và những điều cấm kỵ ở hòn đảo này.
"Tôi nghĩ việc đơn giản và tốt nhất mà khách du lịch có thể làm là hỏi ý kiến cư dân bản địa về những hành động nên hay không nên làm khi trải nghiệm văn hóa ở đây bởi không phải ai cũng hiểu hết về văn hóa Bali", ông nói.
Tác giả: Trang Minh
Nguồn tin: zingnews.vn