Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chỉ số tia cực tím cao, chống nắng thế nào để bảo vệ sức khỏe hiệu quả?

Hiện nay, miền Bắc tình trạng nắng nóng gay gắt đang tiếp tục trở lại, bức xạ tia UV đang ở mức rất cao. Khi ra đường mà không có biện pháp bảo vệ, tia UV sẽ gây hại cho da và sức khỏe. Vậy mặc áo khoác có chống được tia UV không?

 Ảnh minh họa.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tia UV có tác hại gì?

Tia UV có bản chất là một bức xạ nhiệt có hại đối với cơ thể người. Tác hại của tia UV sẽ ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc trực tiếp vào bề mặt da và mắt, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về lâu về dài.

Đối với mắt, tiếp xúc thường xuyên với tia UV có khả năng dẫn đến bệnh viêm giác mạc, đau mắt đỏ, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc và thoái hóa hoàng điểm.

 Tia UV gây hại cho mắt khi tiếp xúc trực tiếp. Ảnh: BV.

Làn da nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mà không được bảo vệ, tia UV sẽ tấn công lớp hạ bì, làm cho da trở nên sạm đen (hiện tượng rám nắng da). Ngoài ra, ánh nắng cường độ cao sẽ khiến cho da mau chóng lão hóa, tạo ra nhiều nếp nhăn, gây tổn thương và thậm chí dẫn đến ung thư da.

Miền Bắc và thủ đô Hà Nội đang trong đợt nắng nóng diện rộng. Nắng mạnh không chỉ làm nhiệt độ tăng cao, mà đồng thời chỉ số tia cực tím cũng ở mức gây hại cho sức khỏe.
Theo thông tin cảnh báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 18/7, tại Hà Nội, nhiệt độ đo được trong lều khí tượng là 36 độ C nhưng thực tế ở ngoài trời phải lên 38-39 độ C. Nắng mạnh cũng đồng nghĩa chỉ số tia cực tím hay tia UV sẽ ở mức cao.

Buổi trưa, đầu giờ chiều là lúc mà chỉ số tia UV lên cao nhất trong ngày.

Ở Hà Nội, ngày 18/7, chỉ số này là mức 9, nếu để da tiếp xúc trực tiếp dưới nắng liên tục trong 25 phút, da sẽ bị cháy nắng, thậm chí nặng hơn là bỏng rát.

Không chỉ Hà Nội, nhiều thành phố khác ở trên cả nước cũng cảnh báo chỉ số tia cực tím ở mức 9 vào trưa và chiều 18/7 như Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Cần Thơ, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí, tại Đà Nẵng, Hội An, chỉ số này còn lên mức 10. Thời gian tia UV gây hại cũng trùng với thời gian nắng mạnh từ nay đến 16h.

Nên trang bị gì khi ra ngoài để chống tia UV?

Kính chống tia uv: Khi đi ngoài đường, bạn có thể sử dụng kính chống tia UV để bảo vệ đôi mắt, tránh các tác hại của tia UV đến các bộ phận quan trọng của mắt như giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc.

Theo thông tin từ Viện Nhãn khoa Mỹ, màu sắc và độ đậm nhạt của mắt kính không thể dùng để đánh giá khả năng chống tia UV, cũng không nói lên tác động nguy hại hay an toàn của kính đối với đôi mắt. Thậm chí, nhiều trường hợp màu sắc của kính quá sẫm còn có thể gây hại cho mắt.

Kính chống tia UV nên chọn loại có gọng mắt lớn, khả năng ôm vừa vặn với khuôn mặt, và bao phủ vùng quanh mắt mới có khả năng ngăn cản ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, nên chọn kính phù hợp với khuôn mặt bạn, thường là chọn kính có hình dáng đối nghịch với khuôn mặt.

Ví dụ như khi bạn có khuôn mặt dài, thì nên chọn kính tròn, và ngược lại. Đối với người chưa từng đeo kính bao giờ thì việc này có thể gây chút khó chịu. Tuy nhiên, hãy tập thói quen đeo kính bất cứ khi nào ra ngoài trời nắng để tự bảo vệ cho đôi mắt của mình.

 

 Khẩu trang muốn phát huy hiệu quả tốt nhất nên phủ kín mặt, chừa hai mắt đeo kính. Ảnh minh họa.

Khẩu trang chống tia uv: Khi phải ra ngoài khi trời nắng gắt, hãy sử dụng khẩu trang chống tia UV để che chắn da mặt.

Đặc biệt, khẩu trang muốn phát huy hiệu quả tốt nhất nên phủ kín mặt, chừa hai mắt đeo kính, vừa giúp phòng tránh tia UV, vừa hạn chế khói bụi.

Sử dụng loại khẩu trang có màu đen, sậm màu sẽ có tác dụng chống nắng lên đến 90%. Trong khi đó, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng khoảng 60%.

Về chất liệu, nên dùng khẩu trang được may với vải dày, dệt chéo. Ngoài ra, loại khẩu trang y tế màu xanh thường sử dụng có chất liệu vải mỏng, chỉ có tác dụng cản bụi, không có hiệu quả cao trong việc chống nắng, chống tia UV.

Tác giả: Phạm Hiền

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn