Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ăn loại sâu cực độc, người đàn ông tử vong thương tâm

Ăn sâu ban miêu độc gấp nhiều lần thuốc diệt cỏ Paraquat, bệnh nhân đau đầu nhiều kèm theo đau rát họng, đau bụng, nôn ra máu… sau đó tử vong.

Theo thông tin ban đầu, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận bệnh nhân L.V.M, 72 tuổi, trú tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La nhập viện trong tình trạng sốc, co giật toàn thân, suy hô hấp, nôn máu, loét miệng.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: Ngộ độc côn trùng giờ thứ 6. Tình trạng chuyển hoá nặng, suy gan, thận cấp; tiên lượng nguy cơ tử vong cao.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, bệnh nhân L.V.M có đi bắt sâu ban miêu về nướng ăn, nhưng không nhớ rõ số lượng là bao nhiêu. Sau khi ăn, bệnh nhân bị đau đầu nhiều kèm theo đau rát họng, đau bụng, buồn nôn và nôn ra máu, nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục, duy trì vận mạch, điều trị suy gan thận. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng, ông được gia đình xin về nhà chăm sóc rồi tử vong sau đó.

 Sâu ban miêu có chất cực độc.

Theo ThS.BS Mè Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, nhiều trường hợp bị ngộ độc sâu ban miêu tình trạng rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc với loài sâu này qua đường tiêu hóa, dẫn đến tổn thương suy đa tạng, tụt huyết áp, suy hô hấp và tỷ lệ tử vong hơn 50%.

Sâu ban miêu nằm trong nhóm cực độc. Loại sâu này độc gấp nhiều lần thuốc diệt cỏ Paraquat (thuốc diệt cỏ cháy nhanh). Dù có các cảnh báo, nhưng hằng năm đều có các nạn nhân nhập viện vì ăn sâu ban miêu.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột đến cơ, gan, thận…

Chỉ tiếp xúc sâu qua da như dùng tay bắt trực tiếp, đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải hơi) cũng đủ gây dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vết thương hở. Hơi độc từ sâu bay vào mắt sẽ có cảm giác cay, bỏng rát.

Theo TS Nguyên, hiện tại, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Chất độc này không phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó không sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm, dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.

Từ sự việc đau lòng trên các bác sỹ khuyến cáo, người dân không nên bắt sâu ban Miêu để phòng ngộ độc và tuyệt đối không ăn loại sâu này. Nếu lỡ tiếp xúc với sâu ban Miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt thì cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, sau đó đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Tác giả: Trúc Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn