Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nóng vấn đề chế độ, chính sách cho cán bộ thôn, xóm, bản sau sáp nhập

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều nay (7/12), các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Tham gia thảo luận tại tổ 3 có đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn. Đồng chí Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tại tổ 3.

Tham dự phiên thảo luận tại tổ 3 có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngọc Kim Nam – Trường ban Dân vận Tỉnh ủy.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Lao động – Thương binh và xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Bí thư Huyện ủy, đại diện Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND các huyện: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn.

 Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 3

Nóng vấn đề chế độ, chính sách cho cán bộ thôn, xóm, bản sau sáp nhập

Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (huyện Đô Lương) phản ánh còn nhiều bất cập sau sáp nhập khối, xóm, đặc biệt là trong thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thôn, xóm bởi chế độ thấp mà công việc lại rất nhiều dẫn đến một số nơi rất khó tìm ra cán bộ xóm, khối, bản làm việc.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (huyện Nghĩa Đàn) đề nghị cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ khối, xóm sau sáp nhập để tăng thêm niềm tin của nhân dân.

 Đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) nêu ý kiến

Đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) nêu lên một thực trạng, sau sáp nhập, các hội quán không đủ điều kiện cho nhân dân sinh hoạt, đề nghị có giải pháp để xây dựng hội quán cho các xóm, bản sau sáp nhập.

Về các nội dung liên quan đến sáp nhập các xóm, bản, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (huyện Đô Lương) cho biết, thời gian qua HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết để điều chỉnh chế độ cho cán bộ khối, xóm, bản. Hiện nay, mức chế độ này đã thực hiện tột khung theo quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đại biểu Tùng đề nghị các cơ quan chức năng kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định. Về trụ sở các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình để đưa ra các giải pháp quản lý cơ sở vật chất đạt hiệu quả.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu

Liên quan đến nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh (đại biểu huyện Anh Sơn) cho biết, về chế độ đối với các chức danh tại các xóm, khối, bản sau sáp nhập hiện nay đã “kịch sàn” theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Sau sáp nhập chỉ có một số thôn bản đạt trên 350 hộ. Trước đây đã có những thôn, bản đạt 350 hộ vẫn tổ chức, quản lý hoạt động tốt. Bên cạnh đó, có tình trạng người dân ngại va chạm nên không muốn tham gia các chức vụ tại các khối, xóm, bản. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

 Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) nêu kiến nghị

Đại biểu Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng hiện nay tình trạng “cò đất” vẫn đang còn diễn ra.

 Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (huyện Nghĩa Đàn) nêu kiến nghị

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho biết, cử tri phản ánh nhiều về các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Đại biểu Trang đề nghị cần xem xét, làm rõ việc phản ánh của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai là do đạo đức công vụ của cán bộ công chức hay là do thủ tục quá rờm rà. Bên cạnh đó, tỉnh cần sát cánh với các địa phương để giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Đại biểu Phạm Thành Chung – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, nguyên nhân của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm là do thủ tục hành chính còn phức tạp và cũng có một phần do thái độ, trách nhiệm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, đề nghị các cơ quan liên quan cần tổng hợp rà soát lại các thủ tục hành chính, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp. Bên cạnh đó cần phải nâng cao trách nhiệm, thái độ của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp đối với việc người dân tại các huyện miền núi mong muốn được được hạ vườn để đem đất đi đổ ở nơi khác; xem xét quy trình cấp phép khai thác khoáng sản…

Giải trình về các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Văn Nông cho biết: Việc người dân tại các vùng miền núi, trung du có nhu cầu hạ vườn, cải tạo vườn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, quy định. Theo đó, khi người dân muốn hạ vườn, cải tạo vườn để đưa đất đi đến nơi khác thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, đây là một nhu cầu rất chính đáng của người dân. Tuy nhiên đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý, việc hạ đất vườn thành đất ở, việc lấy đất thông qua hạ vườn để đem đi bán nơi khác là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được những trường hợp nào thì được hạ vườn, cải tạo vườn.

Đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, theo đồng chí Thái Văn Nông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra công tác khai thác khoáng sản. Về quy trình cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định được thực hiện rất chặt chẽ.

Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỉnh đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; ban hành bộ thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn như việc xác định nguồn gốc đất. Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân.

 

 Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đã trao đổi về Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh và công tác chuẩn bị các kỳ họp HĐND tỉnh

 Đại biểu Nguyễn Văn Đệ (huyện Thanh Chương) giải trình một số nội dung

Trước tình hình giá cả vật tư, phân bón tăng cao, đầu ra sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, các đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ (đại biểu huyện Thanh Chương) cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng mức hỗ trợ khoảng 135 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch, hạn chế phân bón vô cơ; xây dựng các cánh đồng lớn, thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng phản ánh tình trạng bố trí xi măng chậm trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hiện nay hệ thống lưới điện nông thôn xuống cấp, đề nghị Điện lực Nghệ An tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng, tiến hành thay thế kịp thời để đảm bảo an toàn. Đề nghị UBND tỉnh quyết liệt điều tiết các đơn vị không giải ngân được vốn đầu tư công sang cho các đơn vị khác…

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn