Sở Tài chính Nghệ An nói gì về vụ nhân viên y tế 'dài cổ' chờ phụ cấp chống dịch?
- 08:39 11-07-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không chỉ TP Vinh "nợ" tiền phụ cấp chống dịch
Gần 1 năm qua, rất nhiều nhân viên y tế trên địa bàn TP Vinh đã "mòn mỏi" chờ phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách li y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
Về vấn này, Sở Tài chính Nghệ An khẳng định, cơ chế tài chính đối với chế độ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Nghệ An đã được Sở Tài chính Nghệ An hướng dẫn tại Công văn số 3176/STC-NST.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, các địa phương chủ động bố trí ngân sách, trong số này ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 50% (phần hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, có xác nhận thực chi của Kho bạc Nhà nước). Vì thế, đối với một số khoản phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế chậm là trách nhiệm của UBND TP Vinh.
Vì nguyên tắc là TP Vinh chủ động lập danh sách đối tượng rồi tự cân đối chi trả, sau đó gửi quyết toán lên Sở Tài chính, rồi Sở này mới có cơ sở để trình Trung ương để lấy 50% kinh phí để hỗ trợ cho TP Vinh.
Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để cân đối thì cơ sở có thể đề nghị tỉnh thực hiện bổ sung kinh phí cho địa phương để thực hiện (tối đa 70% mức ngân sách Trung ương hỗ trợ (70% trong 50%).
Ngoài TP Vinh thì Sở Tài chính cũng thông tin có 4 đơn vị cấp bệnh viện có chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch nhưng chưa chi trả với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Gồm: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang trình Sở Y tế Nghệ An nhưng đang thẩm định làm rõ một số nội dung liên quan; 3 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu và Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi chưa có Văn bản trình Sở Y yế Nghệ An.
Về cấp huyện, có 13 địa phương chưa chi trả hết phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng. Cụ thể: TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa, Quỳ Hợp, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, TX Cửa Lò, TX Thái Hoà.
Nguyên nhân theo các huyện báo cáo là do chưa cân đối nguồn lực (TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn, TX Cửa Lò) hoặc do hồ sơ cung cấp chưa đủ cơ sở thẩm định hoặc đơn vị chưa trình nhu cầu (Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Tương Dương, TX Thái Hoà).
Xử lý dứt điểm tránh tình trạng nợ chế độ chính sách
Theo Sở Tài Chính Nghệ An thì đối với các địa phương khó khăn đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An bố trí kinh phí hỗ trợ (trong đó có kinh phí tạm cấp 70% cho lực lượng tham gia phòng chống dịch) cho 14 địa phương có văn bản đề nghị với tổng số tiền năm 2021 là hơn 42 tỷ đồng.
Tại TP Vinh tổng kinh phí nhu cầu phòng chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ là gần 30 tỷ. Đến nay thành phố đã bố trí được gần 8,5 tỷ, tỉnh cũng đã “linh động” bố trí một phần, số kinh phí còn lại hơn 18 tỷ đồng thành phố Vinh chưa cân đối để chi trả.
Vấn đề ở đây là về cơ chế tài chính như trên đã được Sở Tài chính Nghệ An ban hành bằng văn bản gửi các địa phương, trong đó có TP Vinh từ tháng 8/2021. Vậy nhưng nếu ngân sách không tự cân đối được thì tại sao TP Vinh không “quyết liệt” lập báo cáo gửi Sở Y tế Nghệ An có ý kiến gửi Sở Tài chính Nghệ An thẩm định trình UBND tỉnh Nghệ An xem xét tạm cấp 70% phần ngân sách hỗ trợ theo quy định?
Ảnh minh họa |
Tìm hiểu thì đúng TP Vinh đã có văn bản "cầu cứu" tỉnh Nghệ An nhưng các văn bản mới nhất mà TP Vinh gửi Sở Tài chính Nghệ An là ngày 28/6/2022 và ngày 5/7/2022 cùng nội dung xin tỉnh bố trí kinh phí. Điều đáng nói đây cũng là khoảng thời gian mà báo chí, người dân lên tiếng rất nhiều về sự chậm trễ trên.
Điều đáng nói đây cũng là khoảng thời gian mà báo chí, người dân lên tiếng sục sôi. Trao đổi qua điện thoại Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú cũng thừa nhận hiện thành phố đã có văn bản trình tỉnh Nghệ An để xin bố trí nguồn.
Về giải pháp để xử lý dứt điểm tránh tình trạng nợ chế độ chính sách, Sở Tài chính Nghệ An đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Y tế Nghệ An khẩn trương đôn đốc các đơn vị cung cấp hồ sơ, tổng hợp nhu cầu kinh phó để có cơ sở trình Sở này thẩm định báo cáo UBND tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết kịp thời.
Mặt khác đối với UBND TP Vinh và các địa phương khác tỉnh Nghệ An đề nghị khẩn trưởng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kinh phí, đôn đốc các đơn vị cấp dưới tổng hợp trình kinh phí, chủ động bố trí nguồn lực xử lý dứt điểm tránh tình trạng nợ chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/7/2022.
An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: ANTT/NĐT