Nghệ An loay hoay với “tàu 67” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng
- 06:12 05-07-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khi đó, nhiều chủ tàu rơi vào cảnh có nguy cơ mất nhà cửa, tài sản liên quan do “tàu 67” để lại vì hoạt động kém hiệu quả và rơi vào cảnh “mắc cạn” lâu nay chưa thể tìm lối thoát.
“Tàu 67” càng đi biển càng nợ
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong tổng số 104 tàu được đóng theo Nghị định 67 ở Nghệ An thì có 90 tàu được đóng theo vật liệu gỗ, 9 tàu vỏ thép và 5 tàu vỏ Composite. Tổng công suất theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt của các tàu nói trên đạt 83.832 CV với ttổng số tiền đã giải ngân là 859,999 tỷ đồng.
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số tàu được đóng theo Nghị định 67 nhiều nhất tỉnh Nghệ An với 52 chiếc nhưng đến nay đã có 6 tàu bị khởi kiện ra toà.
Được biết, hiện nay huyện Quỳnh Lưu có có 26 tàu cơ bản trả được nợ, số còn lại hoạt động kém hiệu quả, nợ kéo dài, nhiều chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản. Đại diện chính quyền huyện Quỳnh Lưu xác nhận tình trạng nhiều chủ tàu trên địa bàn rơi vào cảnh nợ nần, có nguy cơ mất nhà cửa do “tàu 67” làm ăn kém hiệu quả trong thời gian qua là có thật. Trong khi đó, việc tháo gỡ khó khăn đối với họ là không thể vì đến nay chưa thể tìm được lời giải làm rõ nguyên nhân cũng như hướng khắc phục.
Nhiều tàu cá của ngư dân rơi vào cảnh "mắc cạn" vì càng đi biển càng nặng mang nặng nợ trở về |
Trong khi đó, tại cuộc họp mới đây để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đối với thực trạng của “tàu 67”, phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng các chi nhánh ngân hàng thương mại phối hợp với các chủ tàu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế. Từ kết quả đó cần sớm tham mưu UBND tỉnh để thống nhất đưa ra hướng xử lý cụ thể hợp tình, hợp lý.
Trước đó, việc ra đời của những con “tàu 67” nhằm xác định mục tiêu vừa hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, vừa tạo “cột mốc sống” chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nhiều chủ tàu cũng đã được giải ngân nguồn vốn vay từ 5-7 tỷ đồng, thậm chí có hợp đồng tín dụng được chấp thuận cho vay trên dưới 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của những con “tàu 67” trên địa bàn cả nước, số phận những “tàu 67” sớm rơi vào cảnh “mắc cạn” ở Nghệ An hiện nay cũng chiếm phần không nhỏ. Nhiều “tàu 67” càng đi biển càng lâm cảnh nợ nần do chi phí xăng dầu liên tục leo thang. Đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua cũng tác động không nhỏ tới hoạt động tham gia đánh bắt và tiêu thụ hải sản của ngư dân. Đặc biệt, thói quen truyền thống bao đời đánh bắt thủy sản theo mùa trăng - mùa biển cũng khiến nhiều “tàu 67” bị động, chưa thể “bắt nhịp” kịp thời với kỹ thuật đánh bắt bằng công nghệ mới…
“Đau đầu” với “tàu 67”
Được biết, theo báo cáo mới đây do Bộ NN&PTNT kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản mới đây cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân theo quy định tại nghị định. Việc chỉ định các doanh nghiệp bán bảo hiểm cho tàu cá, thuyền viên cũng được Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, xem xét điều chỉnh. Qua đó sẽ tạo điều kiện cho ngư dân tham gia thực hiện chính sách nhằm tạo thuận lợi cho họ được quyền lựa chọn doanh nghiệp để mua bảo hiểm và được hưởng chính sách hỗ trợ.
Cơ chế cho phép chuyển nhượng tàu cá nhằm tháo gỡ các khoản vay nợ xấu cũng được Bộ NN&PTNT kiến nghị phía Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất thực hiện trong thời gian tới.
Còn theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu; trong đó nợ xấu là 6.397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,2%.
Phương án cho phép cơ chế chuyển nhượng tàu cá nhằm hạn chế nợ xấu đang được Bộ NN&PTNT kiến nghị, đề xuất Ngân hàng nghiên cứu cơ chế để hạn chế, tháo gỡ nợ xấu cho ngư dân trong thời gian tới |
Ở Nghệ An hiện nay có tới 60 tàu thuộc nhóm nợ xấu, và 43 tàu do không trả được nợ vay trước đó. Cá biệt, có không ít chủ tàu vi phạm các quy định tại hợp đồng tín dụng đã bị các Ngân hàng khởi kiện hoặc cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thu hồi vốn cho ngân hàng trong thời gian qua. Tính đến ngày 20/6/2022, trên địa bàn đã có 4 tàu gặp rủi ro do tai nạn cháy, chìm đã tiến hành tất toán khoản vay.
Trong tổng số 104 tàu được vay theo Nghị định 67 trên địa bàn Nghệ An thì hiện mới chỉ có 35 tàu hoạt động có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng cam kết ghi trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng với tổng dư nợ 143,811 tỷ đồng. Và có tới 5 tàu hiện đang hoạt đồng cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết với tổng dư nợ 44,83 tỷ đồng.
Có thể nói, những số liệu nói trên đang trở thành bài toán “đau đầu” đối với các cơ quan ban, ngành tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Trước đó, để hạn chế tình trạng “tàu 67” hoạt động kém hiệu quả, rơi cảnh nợ nần kéo dài, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết sẽ kiến nghị lên Bộ Tài chính và Chính phủ để sớm tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho “tàu 67”.
Phương án giãn thời gian trả nợ ngân hàng cho ngư dân để từng bước giúp họ giảm bớt khó khăn, yên tâm bám biển cũng đã được giao đơn vị chức năng tham mưu để tỉnh trình Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn