FLC thế chấp dự án khu biệt thự ở Gia Lai để bảo đảm trả nợ OCB
- 07:24 01-07-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC - bị bắt, tổ hợp quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái tọa lạc tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đã bị tạm ngưng hoạt động - Ảnh: BÔNG MAI |
Theo thông tin được đăng tải trên Sở Giao dịch chứng khoán vào hôm nay 30-6, hội đồng quản trị Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) hai hôm trước đã ban hành nghị quyết thông qua việc sử dụng tài sản hợp pháp để bảo đảm nghĩa vụ của tập đoàn này và Công ty TNHH MTV FLC Land phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Cụ thể, tài sản thế chấp gắn liền với đất phát sinh từ 1.480 quyền sử dụng đất thuộc dự án đầu tư khu A, khu B và C - khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Trong đó quyền tài sản gồm: quyền khai thác sử dụng quản lý dự án đầu tư, hưởng nhận hoa lợi và lợi tức phát sinh, nhận các khoản tiền được phát sinh, bao gồm cả tiền bồi thường/hỗ trợ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền do giải tỏa đền bù theo quy định pháp luật liên quan bồi thường hỗ trợ từ bên thứ ba.
FLC cũng cho biết mục đích nhằm đổi chấp một phần hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang bảo đảm cho các nghĩa vụ nợ và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho FLC.
Tài sản thế chấp cũng bảo đảm cho việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ (nợ gốc, lãi trong năm, lãi quá hạn, các khoản phải trả, chi phí xử lý tài sản thế chấp và các khoản phí, chi phí khác) theo nhiều hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán trái phiếu, các khoản vay/cấp tín dụng... mà OCB đã ký kết với FLC và FLC Land vào các năm 2019, 2020, 2021.
Là một trong những chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra vào cuối tháng tư vừa qua, tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết ngân hàng cho FLC vay chủ yếu tập trung 2 dự án ở Quảng Ninh.
Khi cho vay, ngân hàng căn cứ vào từng dự án cụ thể, phải có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay. Các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản với giá trị trên 2.000 tỉ đồng. Các bất động sản ngân hàng nhận thế chấp có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai.
Trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam, Tập đoàn FLC vẫn là khách hàng tốt, chưa bao giờ trễ hạn trả nợ. Tuy nhiên khi xảy ra sự kiện ông Quyết bị bắt, ngân hàng xác định đây là sự kiện rủi ro lớn không chỉ với FLC và cả các đối tác của FLC.
Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho Hãng hàng không Bamboo Airways vay 1.000 tỉ đồng.
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, nhiều nhà đầu tư bất ngờ trước thông tin tòa nhà 42 tầng FLC Twin Towers nằm tại khu đất "vàng" Cầu Giấy (Hà Nội), vốn là trụ sở chính của Tập đoàn FLC, đã bị gán nợ cho OCB từ năm 2020, thay thế nghĩa vụ trả nợ cho Tập đoàn FLC, FLCHomes, Bamboo Airways, Đầu tư và khoáng sản FLC Stone (mã AMD) và Xây dựng FLC Faros (mã ROS).
Tác giả: Bông Mai
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ