Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xung đột quyền lợi với CLB, đề xuất U23 Việt Nam đá V-League có khả thi?

Ý tưởng thành lập đội U23 Việt Nam thi đấu tại V-League để cầu thủ trẻ tích lũy kinh nghiệm có thể va chạm trực tiếp đến quyền lợi CLB, dẫn đến khó thành hiện thực.

Hôm 29/6, Công ty Nutifood gửi công văn lên VFF, đề xuất xây dựng cơ chế mới để cho phép U23 Việt Nam tranh tài tại V-League với tư cách một đội bóng độc lập, nhằm tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ sát và thi đấu.

Nếu VFF chấp thuận đề xuất, doanh nghiệp này sẽ cam kết tài trợ toàn bộ chi phí cho U23 Việt Nam khi tham gia V-League trong vòng 3 năm. Sau đó, Nutifood sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chung tay để xây dựng U23 trở thành nòng cốt của bóng đá Việt Nam.

 Tuấn Tài chưa từng được chơi ở V-League. 

Ý tưởng của ông bầu Trần Thanh Hải xuất phát từ thực tế cầu thủ U23 Việt Nam ít cơ hội thi đấu ở V-League. Ngoại trừ 4 cầu thủ gồm thủ môn Nguyễn Văn Toản, trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình và tiền vệ Lý Công Hoàng Anh, hầu hết các cầu thủ còn lại của U23 Việt Nam hoặc không cạnh tranh được ở các đội V-League, hoặc đang chơi ở các đội hạng Nhất, vốn chất lượng kém hơn nhiều.

Đơn cử, những trụ cột U23 như Vũ Tiến Long, Quan Văn Chuẩn, Nguyễn Văn Trường khó chiếm được suất đá ở Hà Nội FC trong tương lai gần. Trần Danh Trung, Nhâm Mạnh Dũng khó có cơ hội ở CLB Viettel do cặp tiền đạo Pedro Paulo - Geovane Magno ở đẳng cấp vượt trội.

Tương tự, Khuất Văn Khang, Lê Minh Bình, Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương,... cũng vấp phải khó khăn trong cuộc cạnh tranh vị trí.

Nếu thực trạng này kéo dài, dàn cầu thủ U23 Việt Nam có nguy cơ "thui chột". Nên nhớ, ở tuổi 23, thế hệ đi trước như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng,... đã có không dưới 4 mùa giải ở V-League.

Đề xuất của Nutifood thực chất đã được một số nền bóng đá Đông Nam Á áp dụng. Malaysia từng cử 2 đội bóng Harimau Muda A và Harimau Muda B đá giải ngoại hạng Singapore. Ngược lại, Singapore cũng có đội Lions XII đá ở giải Malaysia. U23 Malaysia cũng đã từng đá ở giải Malaysia Super League.

 Đội Harimau Muda (U23 Malaysia) từng chơi ở giải Singapore. 

Việc tài trợ cho U23 Việt Nam đá V-League có thể giải quyết bài toán ra sân cho các cầu thủ. 3 năm trước mắt là khoảng thời gian vàng định hình năng lực và bản lĩnh của lứa U23, nếu được đá chính liên tục, Tiến Long cùng đồng đội sẽ có sức bật.

 

Tuy nhiên, việc thành lập đội U23 đá V-League có thể dẫn tới va chạm quyền lợi với CLB. Các đội bóng chi hàng chục tỷ đồng, bỏ công sức đào tạo hàng chục, thậm chí hàng trăm cầu thủ trẻ trải đều các lứa. Các tuyển thủ U23, dù có được thi đấu thường xuyên hay không, cũng đều là những hạt giống tốt nhất của hệ thống đào tạo mỗi CLB.

Nếu thành lập đội U23 Việt Nam, phía đơn vị tài trợ sẽ đàm phán trả lương, thưởng, chi phí mượn thế nào? Trong trường hợp CLB mất quân cho đội U23 dẫn đến thiệt hại về thành tích như mất ngôi vô địch, xuống hạng thì giải quyết ra sao? Đó đều là bài toán lợi ích.

Sau 3 năm đá V-League, một số cầu thủ U23 có thể mãn hạn hợp đồng với CLB chủ quản. Như vậy, có những đội đào tạo cầu thủ nhưng hiệu quả sử dụng không đáng kể.

"V-League là giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt Nam, có hệ thống lên xuống hạng bài bản, doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều tiền của vào các CLB để làm bóng đá. Nếu bây giờ thành lập một đội bóng đá chỉ để tích lũy kinh nghiệm nhằm đấu giải quốc tế, như thế có ăn nhập với hệ thống bóng đá Việt Nam không? Mục đích để làm gì?

Nếu U23 Việt Nam đấu V-League thì có xuống hạng không trong trường hợp không có thành tích tốt? Sự xuất hiện của một đội bóng không có động lực thành tích chỉ khiến bóng đá thiếu cạnh tranh và hấp dẫn hơn. Lợi ích các CLB và doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá bị ảnh hưởng, ai sẽ chịu trách nhiệm?", lãnh đạo một CLB đặt dấu hỏi.

 Văn Chuẩn (áo vàng) là lựa chọn cho tương lai của Hà Nội FC. 

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nêu quan điểm: "Ý tưởng này khó khả thi với đặc thù của bóng đá Việt Nam. Đơn cử, Hà Nội FC có 6 cầu thủ U23 Việt Nam đã bỏ công sức nuôi dưỡng, đào tạo nhiều năm, chuẩn bị đôn lên và sử dụng cho đội 1 nay bị lấy mất quân thử hỏi họ có chịu không? Có chăng tài trợ U23 Việt Nam tập huấn dài hạn ở nước ngoài sẽ khả thi hơn nhiều".

BLV Vũ Quang Huy đánh giá: "Đề xuất lập đội U23 Việt Nam đá V-League, nếu không cẩn thận, có thể ảnh hưởng đến nhiều CLB. Có những cầu thủ trẻ đã chiếm được vị trí quan trọng ở đội bóng. Các CLB cũng tốn nhiều công đào tạo rồi trông đợi cầu thủ trẻ cống hiến. Đúng lúc cầu thủ đạt độ chín thì lại sang đá cho đội khác, như vậy ổn không?

Kể cả các CLB có chấp nhận hy sinh vì lợi ích của nền bóng đá, thì việc để một đội toàn cầu thủ trẻ tự đá với nhau cũng chưa chắc đã hay. Tấm gương của HAGL khi đôn lứa trẻ lên V-League năm 2015 là ví dụ".

BLV Quang Huy cũng cho rằng để biết ý tưởng nói trên có khả thi, VFF, VPF cần tham khảo ý kiến các chuyên gia như Park Hang Seo, Gong Oh-kyun, bên cạnh làm việc chặt chẽ với các CLB để đảm bảo không bên nào thiệt thòi quyền lợi.

Nếu các đội bóng không nhượng bộ, đề xuất U23 Việt Nam đá V-League có thiện chí và thiết thực đến mấy cũng rất khó thực hiện.

Tác giả: HỒNG NAM

Nguồn tin: vtc.vn