Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dừng lại đi, nỗi đau đuối nước!

Trong 5 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 38 vụ đuối nước làm tử vong 113 trẻ. Thông tin từ cơ quan chức năng đưa ra khi hè vừa sáng có khiến chúng ta - những người lớn giật mình?

 Hè đã về kéo theo muôn nỗi lo toan dồn dập, lòng vẫn mong mỏi đến cháy lòng: Dừng lại đi, nỗi đau đuối nước…

Rồi kỳ nghỉ hè sang ngót nghét một tháng nay, tin dữ về những vụ đuối nước thương tâm cứ inh ỏi dội đến khiến lòng người bất an quá đỗi!

Rạng sáng 28-6, thêm 3 thi thể học sinh lớp 8 được tìm thấy dưới sông Dinh (Quảng Bình). Bọn trẻ đi chơi từ chiều hôm trước, áo quần và xe đạp bỏ lại trên bờ. Nghi có chuyện chẳng lành, người dân phối hợp lực lượng chức năng khẩn trương triển khai phương án tìm kiếm. Và phép màu đã không xảy ra…

Những mái đầu xanh mướt bước chân ham vui theo lời rủ rê, hò hẹn và thiếu hụt kỹ năng sinh tồn đã đẩy mình vào vòng xoáy hiểm nguy dưới con nước xanh mát, hiền hòa mà tiềm ẩn biết bao nguy hiểm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Điều này đã được cảnh báo từ lâu với hàng loạt công văn yêu cầu phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, mọi thứ dường như vẫn nặng nề về lý thuyết với những nút thắt chưa được tháo gỡ để thực hiện mục tiêu phổ cập bơi lội cho trẻ.

Đó là sự thiếu hụt cơ chế và kinh phí để xây dựng bể bơi, vận hành và duy trì hệ thống hồ bơi. Là những vướng mắc xung quanh việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên có chuyên môn bơi lội. Là vô số lỗ hổng trong việc thiết kế chương trình giảng dạy và kế hoạch tổ chức môn bơi lội trở thành môn học chính thức trong nhà trường…

Những "nút thắt" sau bao năm vẫn tồn tại đầy trêu ngươi khiến mục tiêu phổ cập bơi lội và nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước chỉ mãi nằm trên giấy. Đây quả là điều đáng tiếc trong bối cảnh hiện tại!

Và khi nắng hè vừa rực cháy dội cơn nóng hầm hập đổ xuống mặt đường, sau ngày dài cuồng chân bởi giãn cách xã hội và mải mướt học hành trực tuyến, bọn trẻ tạm biệt mái trường về với gia đình để tận hưởng những ngày hè hứng khởi. Vậy nhưng tin dữ về những vụ đuối nước liên tiếp dội đến đầy báo động buộc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận lại hành trình giành giật trẻ với vòng vây của tử thần ẩn nấp dưới dòng nước dữ. Người lớn vẫn đang lửng lơ một món nợ với con trẻ - Món nợ bảo vệ sự an toàn của trẻ!

Chúng ta thực hiện hàng loạt dự án với những đại công trình khổng lồ về tầm vóc lẫn kinh phí nhưng chiến lược xây dựng bể bơi công cộng, duy trì kinh phí để bảo dưỡng và nâng cấp hồ bơi, đào tạo giáo viên dạy bơi chuyên trách, tập huấn kỹ năng ứng phó các tình huống dưới nước… vẫn là một giấc mơ.

Chúng ta ban hành hàng loạt công văn đề nghị phổ cập bơi lội, yêu cầu nhà trường dạy bơi cho trẻ trước khi nghỉ hè những đã thực sự tính toán sát sao đến tình hình thực tế và khả năng hiện có của từng địa phương, từng trường học? Hay đơn thuần vẫn chỉ là những hô hào cùng lời trấn an?

Đặc trưng địa hình của nước ta là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt rồi những công trình hồ đập, tưới tiêu giăng mắc khắp nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với sự an toàn của trẻ. Trách nhiệm của người lớn trong việc xây dựng rào chắn, gắn biển cảnh báo đã thực hiện đến đâu? Phải gắn trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra các vụ đuối nước liên quan đến hồ đập thiếu che chắn, cảnh báo.

Và còn đó trách nhiệm của từng gia đình trong việc chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ trẻ lớn khôn trong môi trường an toàn, lành mạnh nữa. Chúng ta vì gánh nặng cuộc sống mưu sinh đã bôn ba mải mướt. Có biết đâu rằng trẻ con ham vui ham chơi chóng quên lời cha răn, lời mẹ dặn… Xin hãy nhớ trẻ con cần lắm ánh mắt dõi theo của mẹ cha cùng sự quan tâm tạo điều kiện cho trẻ học bơi, rèn kỹ năng xử lý tình huống và cẩn trọng tách trẻ khỏi các hiểm họa khó lường về tai nạn đuối nước!

Hè đã về kéo theo muôn nỗi lo toan dồn dập, lòng vẫn mong mỏi đến cháy lòng: Dừng lại đi, nỗi đau đuối nước…

Tác giả: Nguyễn Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí