Đưa trẻ em ra 'ghép đôi' ở phố đi bộ TP Vinh: Có dấu hiệu phạm luật?
- 20:56 25-06-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cảnh ghép đôi giữa một bé trai và một bé gái trên phố đi bộ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An khiến nhiều người phản ứng, bày tỏ sự phẫn nộ khi xem video ghi lại vụ việc đăng tải lên mạng xã hội sáng 25/6. Đáng chú ý, đoạn video cho thấy, nam MC đã thúc hai trẻ em ghép đôi và “hôn chạm môi” trước sự chứng kiến rất đông du khách, người dân xung quanh.
Hình ảnh vụ việc được ghi lại. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, hành vi ghép đôi hai em nhỏ ở phố đi bộ là rất phản cảm, đơn vị tổ chức đáng bị lên án. Hành vi này không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Hành vi này cổ súy cho hiện tượng yêu sớm, tạo ra những suy nghĩ và hành động tiêu cực, khiến các em có nhận thức lệch lạc về vấn đề tình yêu, tình dục, dễ trở thành nạn nhân của các vụ việc xâm hại, bị lợi dụng về tình dục.
Theo luật sư Cường, cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em cần lên tiếng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, xác định tính chính xác của những thông tin sự việc này.
Đồng thời, cần làm rõ ý kiến, quan điểm của 2 em nhỏ, phụ huynh, người tổ chức chương trình và đơn vị quản lý phố đi bộ để có đánh giá về tác động đối với xã hội và với các em.
Trường hợp sự việc diễn ra là do các em bị dụ dỗ, lôi kéo, không được sự đồng ý của các phụ huynh thì bậc cha mẹ có thể yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét xử lý về hành vi Vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm quyền tự do thân thể, tự do hình ảnh của các cháu nhỏ.
Nếu bị xác định là xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, quyền tự do hình ảnh của các cháu bé, người tổ chức chương trình có thể bị xử phạt hành chính 5-8 triệu đồng theo Khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định hành vi của người vi phạm ở mức độ được xác định là "khiêu dâm" (hành vi có tính chất tình dục, tạo ra những tâm lý suy nghĩ hành động tiêu cực về tình dục, khơi gợi hoạt động tình dục...) thì việc sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự, tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Luật sư Cường cho biết, pháp luật Việt Nam có rất nhiều các văn bản, quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em, bảo vệ nguy cơ trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục. Việc sử dụng trẻ em vào các hoạt động giải trí phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu hành vi sử dụng thông tin hình ảnh của trẻ em mà không được trẻ em đồng ý thì dù có sự đồng ý của cha mẹ, người sử dụng trái phép thông tin hình ảnh của trẻ em vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính
Trường hợp sử dụng trẻ em vào các hoạt động không phù hợp với văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục thì người vi phạm kể cả là trẻ em cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghiêm trọng hơn, nếu sử dụng trẻ em vào các hoạt động giải trí có tính chất khiêu dâm, khơi gợi suy nghĩ về tình dục, tác động tiêu cực đến tâm lý người khác thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo điều 147 bộ luật hình sự
Vụ việc nêu trên sẽ là một bài học cho các phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con cái và bảo vệ trẻ em. Cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh làm rõ diễn biến sự việc, đánh giá những tác động của sự việc này đối với xã hội. Trường hợp hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục thì đây là hành vi rất đáng trách, đáng lên án. Trường hợp hành vi vi phạm quyền riêng tư, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, hành vi được xác định là khiêu dâm, dâm ô thì người vi phạm còn có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tác giả: Hải Ninh
Nguồn tin: kienthuc.net.vn