Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thi tốt nghiệp THPT 2022: Bộ GD&ĐT thanh tra, giám sát thế nào?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Bộ GD&ĐT thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 tỉnh. Đặc biệt huy động hơn 7000 giảng viên đại học tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi này.

 

Không bỏ sót, không tạo kẽ hở - khoảng trống, không bị động

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra an toàn minh bạch, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết trên Tiền Phong, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu theo thẩm quyền; UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi trên địa bàn; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng trong công tác tổ chức, tham gia thanh tra, kiểm tra.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tới 3 không khi hoạt động thanh kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là: Không bỏ sót, không tạo kẽ hở- khoảng trống, không bị động.

Đồng thời hạn chế tối đa việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Bảo đảm điều động cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng làm nhiệm vụ phù hợp, khách quan; hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương.

Thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu

Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, đồng thời kiểm tra đột xuất tại một số hội đồng thi, điểm thi khi có thông tin phản ảnh tiêu cực.

Cùng với lực lượng thanh tra của các Sở GD&ĐT, tại các hội đồng thi của tất cả địa phương còn có sự tham gia của thanh tra bộ gồm cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết bộ dự kiến huy động hơn 7.000 giảng viên từ khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tham gia công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi và chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Ông Nguyễn Đức Cường thông tin năm 2022 thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD&ĐT (không trùng lặp với các đoàn của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia). Thành lập 5 đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, mỗi đoàn do 1 lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra tại các địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.

Năm nay công tác coi thi được Bộ chú trọng. Cụ thể, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT; dự kiến điều động 141 cơ sở giáo dục ĐH với tổng số 6.645 người làm công tác thanh kiểm tra và điều động 127 người từ 63 sở GD&ĐT phối hợp cùng 135 người từ 63 cơ sở giáo dục ĐH kiểm tra công tác chấm thi. Thành lập 5 đoàn kiểm tra, kiểm tra lưu động từ 10 đến 15 sở GD&ĐT trong quá trình chấm phúc khảo.

Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ thực hiện kiểm tra tất cả các khâu kỳ thi, 5 đoàn do các thứ trưởng làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các tỉnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào 7-8/7. Ảnh minh họa.

Dưới 15 phòng thi bố trí 2 cán bộ thanh tra

Thông tin theo báo Tuổi Trẻ, theo văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi, đồng thời kiểm tra đột xuất tại một số hội đồng thi, điểm thi khi có thông tin phản ảnh tiêu cực, sai phạm…

Trong đó, với công tác coi thi, thành lập đoàn thanh tra công tác tổ chức coi thi, gồm trưởng đoàn, thư ký và các tổ thanh tra.

Số lượng cán bộ tối thiểu 1 tổ thanh tra trực tiếp tại một điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: dưới 15 phòng thi bố trí 2 cán bộ; từ 15 - 24 phòng thi bố trí 3 cán bộ; từ 25 - 34 phòng thi bố trí 4 cán bộ; từ 35 - 44 phòng thi bố trí 5 cán bộ; từ 45 phòng thi trở lên bố trí 6 cán bộ.

Bố trí giám sát từ khai in sao đề thi

Trước kỳ thi quan trọng này, Bộ GD&ĐT lưu ý, trước khi in sao, cần kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi; thành phần cán bộ thực hiện nhiệm vụ in sao đề thi; hội đồng thi bố trí 1 cán bộ giám sát tại vòng 2 khu vực in sao đề thi.

Trong quá trình in sao đề thi, cần kiểm tra biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực in sao đề thi và việc bố trí, thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tại vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài) khu vực in sao đề thi.

Về công tác coi thi, bộ lưu ý trưởng điểm thi cần bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản các vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi.

Riêng với công tác chấm bài thi trắc nghiệm, toàn bộ quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín.

Sau khi kết thúc quá trình chấm thi, ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện sao chép tệp tin danh sách thí sinh dự thi và xuất tệp tin sao lưu kết nối dữ liệu, mã nhận diện, mã cấp phép sử dụng máy trạm tương ứng, tài khoản và mật khẩu truy cập,… của máy chủ và các máy trạm ra đĩa CD. Niêm phong đĩa CD, máy chủ và máy trạm dưới sự giám sát của trưởng ban chấm thi trắc nghiệm, thanh tra, công an…

Công minh, khách quan không để tình huống xấu xảy ra

Theo Bộ GD&ĐT, trước đó trong chương trình tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong 2 ngày (14, 15/6), tại tỉnh Bình Định, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của 32 Sở GD&ĐT, 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía nam.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo: “Để giữ kỳ thi an toàn vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra là rất lớn. Làm sao để vừa nghiêm minh, vừa hài hòa nhưng cũng nhân văn, nhân ái; đảm bảo đúng quy chế, quy định nhưng cũng thân thiện, ứng xử phù hợp”.

Để Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt hiệu quả, Thứ trưởng lưu ý các báo cáo viên bên cạnh việc trình bày các chuyên đề hướng dẫn, cần dành nhiều thời gian lắng nghe, tiếp thu, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn từ đơn vị, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó lựa chọn những tình huống phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề còn chưa rõ, còn có cách hiều khác nhau để cùng thảo luận, cùng phòng ngừa.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng còn nhấn mạnh tới 5 yếu tố đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu chất lượng đề ra. Trong đó, trước hết là việc đề cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ hệ thống văn bản chỉ đạo cho đến thành lập bộ máy, các ban, hội đồng… để tổ chức kỳ thi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải vừa toàn diện, vừa trọng tâm trọng điểm.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn