Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hãng mỹ phẩm hàng đầu thế giới vật lộn xoay xở vì thiếu nguyên liệu

Unilever đã thay đổi một số công thức để sử dụng dầu hạt cải thay cho dầu hướng dương - loại dầu vốn trở nên khan hiếm kể khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

 

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng từ dầu thô đến dầu hướng dương bị thiếu hụt, công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới Unilever (ULVR.L) đến từ Anh đã thay đổi thành phần nguyên liệu trong một số sản phẩm như thực phẩm đóng gói và chất khử mùi. Động thái giúp hãng cắt giảm chi phí và giảm thiểu những khó khăn về nguồn cung.

Việc chuyển đổi các thành phần và nguyên liệu thường gây khó khăn đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng truyền thống, nhưng càng cho thấy ý nghĩa quan trọng hơn sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra khiến giá hàng hóa tăng vọt.

Vào tháng 4, Giám đốc điều hành Alan Jope của Unilever cho biết công ty đã bắt đầu thay đổi một số công thức để có thể sử dụng dầu hạt cải thay cho dầu hướng dương, vốn trở nên khan hiếm kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. Ukraine sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hướng dương trên thế giới. Ukraine cùng Nga chiếm khoảng 75% nguồn cung dầu hướng dương toàn cầu.

Ông Richard Slater, giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Unilever, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Tình trạng thiếu hụt silicon trên toàn cầu khiến chúng tôi đang cân nhắc lại chất khử mùi. Chúng tôi đã xem xét các công thức để ít cần sử dụng những thành phần mà hiện đang bị sức ép”. Ông Richard Slater cho biết hãng đã xem xét giải quyết vấn đề này vào năm ngoái. Unilever được biết đến với các sản phẩm khử mùi như Rexona, Dove, Axe và Lynx.

Trong các lĩnh vực kinh doanh gia dụng và chăm sóc sắc đẹp, Unilever cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của các sản phẩm vào hóa dầu.

 Ông Richard Slater, giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Unilever. Ảnh: Unilever.

Nhiều hãng sản xuất hàng hóa đóng gói đã cố gắng giảm việc sử dụng dầu cọ. Loại dầu này được cho là nguyên nhân dẫn tới nạn phá rừng và tình trạng lạm dụng lao động, tuy nhiên được sử dụng trong nhiều sản phẩm từ bột giặt Tide của tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia P&G (Mỹ) cho đến mứt Nutella của công ty Ferrero (Italy).

Unilever mới đây đã thông báo hợp tác với công ty công nghệ sinh học Genomatica có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California (Mỹ) để mở rộng quy mô và thương mại hóa các chất thay thế cho dầu cọ cũng như các thành phần tẩy rửa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Giám đốc Slater của Unilever nói: "Công nghệ sinh học có tiềm năng tạo ra sự thay đổi lớn trong nguồn cung các thành phần tẩy rửa của chúng tôi, đồng thời đảm bảo Unilever là một doanh nghiệp phù hợp với tương lai"; "Chúng tôi sẽ kết hợp giữa khoa học và thiên nhiên để đảm bảo cân bằng giữa tính hiệu quả và tính bền vững của sản phẩm".

Giám đốc Slater chia sẻ: “Chúng tôi không nói về vài nghìn tấn ở đây, chúng tôi đang nói về quy mô thương mại mang ý nghĩa đáng kể”, tuy nhiên từ chối cung cấp thêm chi tiết về lượng nguyên liệu mới mà công ty dự định sản xuất trong thời gian tới.

Giám đốc Slater cho biết Unilever không còn chỉ dựa vào thử nghiệm thủ công để thay đổi công thức, thay vào đó hãng áp dụng mô hình kỹ thuật số xem các thành phần mới sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm như thế nào. Chẳng hạn, khi muốn thay đổi công thức pha chế dầu gội, công ty sẽ sử dụng robot để thử nghiệm hàng chục sản phẩm mẫu khác nhau chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Tác giả: Phạm Hà Thanh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn