Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giảm 50% phí trước bạ cho ô tô: "Thuốc" phát huy tác dụng nhưng không thể dùng mãi

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lần thứ 2 đã giúp thị trường Việt Nam khởi sắc và tăng trưởng so với cùng kì năm ngoái.

 

Thị trường khởi sắc

Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 5/2022.

Cụ thể, các đơn vị thành viên VAMA đạt 43.816 xe các loại, tăng 3,4% so với tháng 4/2022 và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 43.816 chiếc xe được bán ra trong tháng 5/2022, xe lắp ráp trong nước đạt 25.580 xe, tăng 1% và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 18.236 xe, tăng 7% so với tháng 4/2022.

Báo cáo của VAMA cũng cho biết, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2022 tăng 39% so với 2021. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 57%; xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo báo cáo của VAMA, tính đến hết tháng 5/2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước là 105.022 xe, tăng 47% trong khi xe nhập khẩu chỉ là 71.659 xe, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái.

Theo số liệu từ VAMA và TC Group (chưa bao gồm Vinfast do chưa công bố) Toyota Vios dẫn đầu các mẫu xe bán chạy nhất tháng 5/2022 với doanh số 3.887 chiếc.

Honda City dẫn đầu trong tháng 4/2022 nhưng tháng này về vị trí thứ 9. Công ty Honda Việt Nam (HVN) cho biết doanh số bán lẻ mảng kinh doanh ô tô trong tháng 5/2022 giảm 47,8% so với tháng trước do tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Trong suốt thời gian vừa qua, ngành sản xuất ô tô nói riêng đang phải gánh chịu hệ quả nặng nề hậu Covid-19, các xung đột kinh tế - chính trị, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến việc sản xuất lắp ráp xe trong nước khiến nhiều mẫu xe phải sản xuất cầm chừng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước là 105.022 xe, tăng 47% trong khi xe nhập khẩu chỉ là 71.659 xe, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái.

Mặc dù trong tháng hiệu lực cuối cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ (Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước) nhưng cũng không tạo được đột biến qua lớn cho thị trường ô tô trong nước như lần giảm lệ phí trước bạ tương tự của năm 2020.

Theo số liệu của VAMA doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp của các DN thành viên 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 67.516 xe, nhưng từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020 đã đạt 120.957 xe, tăng gần gấp đôi. Tương tự, tại TC Motor, 6 tháng đầu năm ngoái chỉ đạt doanh số bán 28.014 xe thì 6 tháng cuối năm là 53.354 xe, tăng gần gấp đôi.

Hiệu ứng từ chính sách giảm phí trước bạ

Qua số liệu bán hàng trong 5 tháng đầu năm 2022 của các thành viên VAMA, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Cụ thể, trong khi doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng đến 47% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ tăng ở mức 29% so với cùng kì năm ngoái.

Ngoài ra, chính sách còn thúc đẩy các thương hiệu ô tô nhập khẩu tăng khuyến mại để cạnh tranh với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Thúc đẩy doanh số bán xe toàn thị trường của VAMA trong 5 tháng đầu năm tăng 39% so với năm 2021; trong đó xe du lịch tăng tới 57%.

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học GTVT) cho biết nhìn lại bức tranh khởi sắc của thị trường ô tô những tháng đầu năm càng cho thấy việc ra đời của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103 của Chính phủ là rất đúng thời điểm và thực sự đã tạo ra động lực cho sự trở lại của thị trường này trong trạng thái bình thường mới.

“Sau hai năm dịch bệnh, thị trường ô tô đã có quãng thời gian trùng xuống, việc giảm 50% thuế trước bạ như một tạo ra một ‘chính sách khuyến mãi’ đúng lúc đánh vào quyết định lựa chọn của người tiêu dùng, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe và kích cầu tiêu dùng.

Mặc dù 50% thuế trước bạ so với giá trị của một trước xe là không quá cao nhưng nó khiến cho ai đã quyết tâm sở hữu xe ô tô sẽ quyết tâm hơn, ai còn chần chừ sẽ bớt chần chừ. Thực tế những số liệu của thị trường ô tô trong 5 năm tháng đầu năm vừa qua đã chứng minh điều đó.

Ở phương diện thu ngân sách nhà nước, dù giảm lệ phí trước bạ dẫn đến giảm số thu, nhưng số lượng xe tiêu thụ dự kiến sẽ tăng, cho nên về cơ bản tổng thu ngân sách không bị ảnh hưởng lớn thậm chí là vẫn tăng lên”, ông Thái chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học GTVT).

Theo ông Thái, mặc dù chính sách giảm lệ phí trước bạ lần thứ 2 này không tạo được bứt phá mạnh mẽ như lần đầu (nửa cuối năm 2020) do bối cảnh ban hành chính sách đã có sự thay đổi do tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 tuy nhiên nhưng những tác động tích cực của Nghị định 103 là rất quan trọng trong bối cảnh hồi phục kinh tế hậu đại dịch.

Về vấn đề có nên tiếp tục gia hạn việc giảm lệ phí trước bạ, Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế cho rằng chính sách kích cầu cần có thời điểm và giai đoạn phù hợp để tạo động lực tiêu dùng cho thị trường.

“Nếu chúng ta gia hạn thêm chính sách thì sẽ chuyển từ "chính sách khuyến mãi” sang “chính sách giảm giá”, điều đó chưa chắc đã có lợi cho thị trường”, ông Thái chia sẻ và cho rằng nếu kéo dài quá lâu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, trong khi ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn do phải chi nhiều cho hoạt động phục hồi kinh tế.

Ở một phương diện khác, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chính sách giảm 50% phí trước bạ không chỉ kích cầu khi người dân mua được xe với chi phí lăn bánh thấp hơn trước đây mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành ô tô nhất là các doanh nghiệp trong nước "vượt khó".

“Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu đủ khả năng mua ô tô đang ngày càng tăng; ô tô hiện có nhiều phân khúc và về lâu dài, không nên xem đây là mặt hàng xa xỉ. Như vậy, lượng người được hưởng chính sách không phải là ít.

Với mức tỉ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp hiện ở mức thấp, việc phát triển ngành ô tô nội địa hiện vẫn là câu chuyện dài, gây tranh cãi. Nhưng cần thấy rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa xứng với tiềm năng. Những chính sách ưu đãi như vậy không chỉ có tác động với người tiêu dùng mà có lợi ngay cho ngành công nghiệp ô tô, cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp trong nước", ông Thành chia sẻ.

Nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, lượng tiêu thụ ô tô tăng đột biến trong giai đoạn cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022. 

"Khi tuần trăng mật kết thúc"

Theo dự báo của Otofun News về tình hình thị trường ô tô giai đoạn sau kết thúc ưu đãi trước bạ, người dùng sẽ không còn ôm tâm lý sốt ruột mua xe để "chạy" thuế trước bạ nên chắc chắn thị trường sẽ giảm nhiệt so với thời điểm tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh đó, một diễn biến nữa được dự đoán, là tình trạng thiếu hụt xe vẫn tiếp diễn. Những chiếc xe hot như Tucson, Ranger, Santa Fe, Raize... liên tục khiến người dùng bức xúc suốt một tháng vừa qua vì tình trạng khan hàng.

Đi kèm đó, khách mua xe sẽ vẫn phải mua kèm phụ kiện, chênh giá nếu muốn có xe sớm. Tình trạng "bia kèm lạc" với xe hot, sự tăng giá đồng loạt của một số dòng xe mới ở nhiều hãng khiến người tiêu dùng trở nên dè dặt hơn khi xuống tiền sắm xế.

Tuy nhiên, từ tháng 6, thị trường Việt chuẩn bị chào đón rất nhiều mẫu xe hot trải dài các phân khúc. Có thể kể đến một số cái tên như Mitsubishi Xpander (ra mắt 13/6), Nissan Kicks, Isuzu Mu-X, "vua" bán tải Ford Ranger... Mẫu xe chiếm sóng nhiều nhất trên mạng xã hội hiện nay Kia Sportage hứa hẹn sẽ ra mắt sớm khi mới đây lộ diện trên đường phố Việt. Như thông lệ, các chương trình ưu đãi đi kèm mỗi khi xe ra mắt hoặc khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm chắc chắn kích thích người mua đến showroom nhiều hơn. 

Tác giả: Mạnh Quốc - Mai Đăng Đức

Nguồn tin: nguoiduatin.vn