Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỳ lạ cảnh chen chân làm sổ đỏ: Có hiện tượng "chim mồi" tạo sốt đất ảo

Trao đổi với Dân trí, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lý giải thực trạng xếp hàng, xô đẩy, tranh giành nhau giữ chỗ đăng ký cấp sổ đỏ.

 Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Thế Kha).

Lý giải nguyên nhân chen chúc, xô đẩy làm sổ đỏ

Thời gian qua, dư luận bắt gặp những hình ảnh lạ kỳ khi người dân tại nhiều địa phương phải xếp hàng dài từ sáng sớm, chen chúc, xô đẩy, tranh giành nhau để lấy số, giữ chỗ làm thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ. Vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy, thưa ông?

- Hiện nay, hầu hết các địa phương căn cứ trên số lượng nhu cầu giao dịch bình quân của người dân, doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư trụ sở, hạ tầng và nguồn lực con người để tổ chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Việc người dân đến cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là "bình thường, trong điều kiện bình thường".

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có hiện tượng tăng đột biến, người dân đến cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã phải xếp hàng dài từ sớm để giữ chỗ. Nhiều nơi xảy ra tình trạng xô đẩy, tranh giành lấy số thứ tự để được nộp hồ sơ như các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do số lượng giao dịch về đất đai gia tăng đột biến trong cùng một thời điểm, trong khi khả năng đáp ứng về tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận "Một cửa" và Văn phòng Đăng ký đất đai chưa đáp ứng kịp thời, để giải quyết tình trạng "tắc nghẽn" này.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc giao dịch đất đai, phân lô bán nền ở địa phương tăng cao đột ngột?

- Để xác định nguyên nhân giao dịch đất đai tăng đột biến, cần phải nhận diện rõ các yếu tố, đó là "thời điểm", "địa bàn", "loại hình" và "đối tượng" tham gia giao dịch liệu có thực sự tăng liên tục ở mọi thời điểm hay chỉ ở một thời điểm nhất định một quý, một tháng và thậm chí là một tuần thôi.

Việc gia tăng xảy ra trên diện rộng hay chỉ một số khu vực? Các loại hình giao dịch tập trung chủ yếu vào thủ tục nào, như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất, tách thửa đất, hợp thửa đất… hay chỉ tập trung vào một vài thủ tục? Đồng thời với đó là đối tượng tham gia giao dịch cũng cần phải phân loại để xác định nguyên nhân.

Tôi cho rằng, việc giao dịch đất đai tăng cao trong thời gian vừa do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải kể đến là sau hơn 2 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã hạn chế nhiều người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện các thủ tục về đất đai nhưng chưa thực hiện được cho đến khi dịch bệnh được khống chế, xã hội trở lại hoạt động bình thường thì người dân mới có cơ hội đến các cơ quan xử lý hồ sơ giao dịch đất đai để làm thủ tục.

Thứ hai, thời gian qua các địa phương đang triển khai lập quy hoạch mới cho thời kỳ 2021-2030, do đó các thông tin về phát triển các đô thị vệ tinh hay các thành phố mới trong khu vực ngoại vi các đô thị lớn xuất phát từ nhu cầu mở rộng đô thị và đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản ở các khu vực ven các đô thị lớn hoặc dự kiến phát triển đô thị.

Thứ ba là việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối như đường cao tốc, metro… đã tạo ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở sinh thái và nhà ở xã hội, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường bất động sản.

Bên cạnh các nguyên nhân mang tính tất yếu tích cực của thị trường bất động sản, thì tại một số địa phương cũng xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông - hám lợi, cài "chim mồi" giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội "đục nước béo cò" nhằm trục lợi bất chính như các phương tiện truyền thông phản ánh. Đây có thể được xác định là nguyên nhân khiến giao dịch đất đai tăng "đột biến" tại cục bộ một số địa phương trong thời gian qua.

 Người dân tràn vào sân Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành, Bình Phước (Ảnh cắt từ clip).

Tổng cục Quản lý đất đai đã có đề xuất, giải pháp nào để chấn chỉnh những việc này?

- Đối với các trường hợp cơ quan truyền thông phản ánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có các chỉ đạo kịp thời tới Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện xác minh nắm tình hình và hướng dẫn các giải pháp để tháo gỡ kịp thời.

Trong đó, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai qua dịch vụ bưu chính công ích và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử; điều động, tăng cường nhân lực hỗ trợ cho các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại địa bàn có lượng hồ sơ tồn đọng, gia tăng đột biến.

Đồng thời tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Văn phòng đăng ký trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Quy định vừa quá chặt, vừa lỏng lẻo

Có ý kiến chuyên gia cho rằng, các quy định về đất đai hiện tại vừa quá chặt trong các thủ tục, yêu cầu liên quan đến tách thửa, phân lô, giao dịch nhưng đồng thời lại quá lỏng lẻo trong cơ chế giám sát, sàng lọc, phát hiện điểm chưa hợp lý hoặc dấu hiệu lợi ích cục bộ địa phương. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?

- Để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, linh hoạt trong việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tại Nghị định số 43/2014 và Nghị định số 148/2020, Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Việc giao cho cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể và định hướng phát triển tại mỗi địa phương sẽ đảm bảo tính thực tiễn, tính linh hoạt, tính chủ động và đáp ứng yêu cầu cụ thể của địa phương, giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, đi kèm với việc trao quyền thì phải có cơ chế để tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chỉ đạo để chính sách được thực thi phục vụ người dân và phục vụ lợi ích chung.

Với trách nhiệm của mình, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đảm bảo chính sách pháp luật được các địa phương thực thi thống nhất phục vụ người dân và phục vụ lợi ích chung.

Hiện nay, những nơi "sốt đất" do thị trường bất động sản biến động, hay những nơi có giao dịch đất đai ít ỏi đều có trình tự làm thủ tục đất đai như nhau mà không phân hóa. Điều này đã dẫn tới cảnh ùn tắc, đông đúc ở một số địa điểm là không thể tránh khỏi. Làm sao để thay đổi việc này trong tương lai?

- Để phát huy các điểm mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Theo đó, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử. Rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được thủ tục hành chính nhưng giảm thiểu việc đến nơi nộp hồ sơ.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai và Bưu điện để trao đổi, thống nhất phương thức triển khai thực hiện về việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, tài liệu và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai như: Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đối với thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ; luân chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính giữa các đơn vị Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như việc chuyển phát các công văn, tài liệu về đất đai đến các cơ quan có liên quan đối với trường hợp phải chuyển bản giấy qua dịch vụ Bưu chính công ích.

Đồng thời tổ chức quản lý chặt chẽ dữ liệu hình thành trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Trong trường hợp chưa chuẩn bị được hạ tầng và các điều kiện để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, căn cứ vào điều kiện thực trạng về hạ tầng, nhu cầu, nguồn lực của địa phương, cần nghiên cứu xây dựng đơn giá cho thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin (giải pháp đồng bộ cả phần cứng phục vụ cài đặt phần mềm, lưu trữ dữ liệu và đường truyền) để các Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện lưu trữ dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tận dụng nguồn lực của các thành phần kinh tế.

 Hình ảnh người dân Quảng Ngãi xếp hàng từ nửa đêm để làm thủ tục đất đai (Ảnh: Quốc Triều).

Áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân nhanh chóng

Tại sao có những địa phương đã ra văn bản tạm dừng/nghiêm cấm phân lô, tách thửa nhưng nhiều địa phương vẫn đang thoải mái thực hiện việc này? Tổng cục Quản lý đất đai đánh giá như thế nào về việc thực hiện các quy định về đất đai thiếu thống nhất hiện nay ở các địa phương?

- Như đã trao đổi, do điều kiện cụ thể và định hướng phát triển tại mỗi địa phương là khác nhau nên Chính phủ đã giao cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Chính vì vậy, các địa phương cần đánh giá tác động cụ thể để đảm bảo việc ban hành quy định phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu quản lý, đảm bảo mục tiêu phát triển nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Việc triển khai cấp sổ đỏ cho người dân trên cả nước đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào trong thời gian vừa qua? Việc áp dụng khoa học công nghệ vào thực hiện thủ tục hành chính đất đai được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm công khai, minh bạch lĩnh vực này sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Đến nay trên địa bàn cả nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) đối với các loại đất với tổng diện tích đã cấp đạt trên 23,5 triệu ha, được 97,4% diện tích cần cấp.

Kết quả như trên đã góp phần quan trọng để Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ đất đai, đồng thời đưa quyền sử dụng đất tham gia vào thị trường bất động sản, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong thời gian qua các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được thường xuyên rà soát, lược bớt, bổ sung và thực hiện đồng bộ, quyết liệt theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm tối đa chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Kết quả thực hiện số lượng thủ tục hành chính đã giảm 30 thủ tục đối với những nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Ngoài ra, các địa phương còn bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất, đăng ký cấp giấy chứng nhận.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để đưa vào khai thác sử dụng, đến nay nhiều địa phương đã liên thông cơ sở dữ liệu đất đai ở 3 cấp xã - huyện - tỉnh trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Đặc biệt đến nay có 21/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất, 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia.

Trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ phải nộp. Việc này nhằm phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai dưới hình thức áp dụng công nghệ thông tin được nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí