Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quy hoạch thiếu đồng bộ “cản bước” nhà đầu tư

“Trên thông, dưới tắc”… đang là câu chuyện về quy hoạch kiến thiết hạ tầng để phục vụ công tác thu hút đầu tư trở thành nguyên nhân, lực cản “lỡ hẹn” với nhiều dự án triệu đô tại Nghệ An.

 Chỉ vì vướng quy hoạch con đường dân sinh đi qua KCN WHA, Nghệ An đã bỏ lỡ cơ hội thu hút 02 dự án hàng trăm triệu USD khi nhà đầu tư đã nhiều lần vào khảo sát.

1. Đến nay, dư luận tỉnh Nghệ An vẫn chưa hết râm ran về câu chuyện xoay quanh vấn đề quy hoạch hạ tầng liên quan đến dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 trên địa bàn xã Nghi Phú, Tp Vinh với nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2016, dự kiến đến cuối 2018 sẽ đưa vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa thể chính thức đưa vào hoạt động.

Đây là dự án được đầu tư theo hình thức công-tư lớn nhất Bắc Trung Bộ, trong đó vốn Nhà nước chiếm 40% (số vốn này do Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An làm đại diện), góp vốn bằng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), lợi thế vị trí địa lý và thương hiệu của bệnh viện. 02 cổ đông góp vốn bằng tiền mặt gồm Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare nắm giữ 51% vốn điều lệ và Công ty CP Đầu tư Cotec Group nắm giữ 9% vốn điều lệ.

Ngày 05/01/2021, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn đề nghị tỉnh Nghệ An báo cáo các vấn đề liên quan đến dự án nói trên sau khi có phản ánh từ dư luận báo chí.

Ngoài việc “lùm xùm” liên quan quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án nghìn tỷ này đã phải điều chỉnh nhiều lần do vướng phần đường giao thông Hồ Tông Thốc bị bịt lại. Qua nhiều cuộc họp, vào tháng 9/2018, tỉnh Nghệ An đã phải chấp thuận mở lại con đường Hồ Tông Thốc dài gần 4km nối đường Nguyễn Trãi và đại lộ Lê Nin, Trương Văn Lĩnh.

Qua vụ việc này, khi trả lời báo chí, lãnh đạo tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ nói rằng đây là bài học trong công tác quản lý Nhà nước, lập quy hoạch… Và, chính vì lý do này, dự án gặp không ít rào cản, rơi vào trạng thái “vỡ trận” vì phải điều chỉnh lại rất nhiều hồ sơ, thủ tục, hạng mục công trình là điều mà nhà đầu tư không hề mong muốn.

2. Mới đây, qua tiếp nhận phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư ở Khu A, KCN Nam Cấm thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, câu chuyện các doanh nghiệp này bị “treo” mặt bằng do vướng quy hoạch con đường dân sinh trên địa bàn huyện Nghi Lộc cũng trở thành lực cản khiến nhà đầu tư gặp không ít khó khăn.

Đáng quan tâm, ngay tại Khu A, KCN Nam Cấm có con đường dân sinh nối từ QL1A đến khu dân cư xóm Bình Thuận quy hoạch đi ngang qua các dự án mà tỉnh Nghệ An đã chấp thuận, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP kho vận Nhật Việt, Công ty CP vật liệu xây dựng Trường An, Công ty CP Tân An, Công ty CP Thịnh Lộc. Vì vậy, để các dự án của những nhà đầu tư này được “vuông hình, rõ thửa” thì phải quy hoạch một con đường khác thay thế. Tuy nhiên, quy hoạch về con đường này đến nay vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh.

3. Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, năm 2021, có ít nhất 02 nhà đầu tư sản xuất linh kiện điện tử đã nhiều lần đến KCN WHA tìm hiểu để triển khai đầu tư trên địa bàn huyện Nghi Lộc nhưng cuối cùng họ không đầu tư vào đây nữa.

Nguyên nhân do nhà đầu tư e ngại vì trong khu vực đất dự án WHA có con đường dân sinh cắt qua dù vào cuối năm 2019, Công ty WHA Industrial Zone Nghệ An đã tự bỏ kinh phí để xây dựng tuyến đường dân sinh mới thay thế ra khỏi KCN, với tổng chiều dài 740m (dài hơn tuyến đường cũ khoảng 220m) nhưng nhà đầu tư vấn không yên tâm. Được biết, cả 02 dự án nói trên trị giá mỗi dự án 300 triệu USD.

Vụ việc đóng đường dân sinh cũ đi qua KCN WHA ở huyện Nghi Lộc thời gian qua cũng đã được các cấp, ngành tỉnh Nghệ An triển khai họp bàn nhiều lần nhưng vẫn chưa được “thuận buồm xuôi gió”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân sâu xa khiến việc đóng đường dân sinh cũ đi qua KCN WHA chưa nhận được sự đồng thuận là do khi thực hiện dự án, nhiều người dân không được họp bàn vì không có đất bị thu hồi. Vậy nhưng, vì lý lịch sử hình thành con đường là do cha ông của họ để lại nên khi đóng đường phải được họp bàn và có ý kiến của người dân tại địa phương, trực tiếp là xóm Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc.

Từ 03 câu chuyện trên xảy ra ở tỉnh Nghệ An trong thời gian qua có thế thấy rằng, ngoài việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thì công tác thống nhất về quy hoạch kiến thiết hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong muốn sự đồng thuận về quy hoạch hạ tầng phải được thông suốt, tránh việc khi triển khai dự án lại rơi vào cảnh “đầu xuôi nhưng đuôi…không lọt” tồn tại dai dẳng ở địa phương. 

Quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ tại Nghệ An khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi triển khai dự án. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm “lỡ nhịp” thu hút các dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào địa phương này.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn