Hãy trả lại cho trẻ con...kỳ nghỉ hè!
- 09:46 08-06-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đừng bắt trẻ có thêm “học kỳ 3”
Vừa kết thúc năm học và được nghỉ hè, các hội nhóm của phụ huynh, giáo viên trên mạng xã hội Facebook đã đặt ra nhiều câu hỏi về dạy thêm, học thêm.
Cũng có con vừa kết thúc năm học lớp 2, chị Linh Hiên (Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nghỉ hè là dịp để trẻ vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm học tập vất vả. Thế nhưng, nhiều bố mẹ cứ muốn con giỏi, con tài mà đăng ký cho trẻ học ngày, học đêm… mà không biết rắng, họ đang nhồi nhét, có thể khiến con trẻ ‘bội thực’, khiếp sợ kỳ nghỉ hè”.
Theo chị Hiên, việc học thêm có thể nói áp lực nhất là với các học sinh cuối cấp, đặc biệt là với những em mà bản thân và cha mẹ có nguyện vọng thi vào trường các trường điểm. Vì vậy, lực chọn duy nhất là ép con học ở trung tâm hay địa chỉ giáo viên tin cậy. Cá biệt có những gia đình thuê gia sư đến dạy kèm cho con tại nhà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Diệp Nguyễn |
Khác với chị Hiên, chị Phạm Thị Thảo (Hà Đông) có con sang năm học lớp 9 nên rất sốt ruột, bắt buộc chị phải cho con đi học thêm. Tuy muốn con nghỉ ngơi để sang năm “chinh chiến” nhưng sợ con không theo kịp các bạn. “Ngày cháu tự đi học, buổi tối tôi đưa cháu đi học cách nhà khoảng 5km. Tuy vất vả đấy, nhưng phải gắng chứ biết làm sao” – chị Thảo ngậm ngùi.
Anh Quách Thanh Minh (Hà Đông) khẳng định, hè đến, các trung tâm cũng như các thầy cô “đắt sô” bởi, học sinh đăng ký nhiều, chi phí học hè có khi còn cao hơn học ở trường. Dù vậy, sợ con sa vào các trò chơi vô bổ, tôi đã chọn một nơi vừa túi tiền của vợ chồng để cho con học.
Dịp hè nào cũng vậy, tình trạng phụ huynh bắt con học thêm liên miên khiến trẻ có tâm lý chán học, sợ đi học, ngại đến trường. Một số phụ huynh cho rằng, con học càng nhiều càng giỏi là không đúng. Trẻ chỉ có thể học tốt khi chúng được vui chơi.
Các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, học sinh học nhiều sẽ dẫn đến tình trạng “chán”, sợ tới trường. Một năm có 12 tháng, trẻ đều phải học, sẽ ảnh hưởng nhiều đến thể chất lẫn tinh thần các em. Học thêm không ai cấm nhưng phụ huynh nên hỏi và tôn trọng sự lựa chọn của con. Mùa hè cần nhất là trẻ được đi chơi, đi du lịch, dã ngoại, về quê, ngắm nhìn thiên nhiên, khám phá bản thân, môi trường sống, chia sẻ với người thân yêu…
Thưa các bố mẹ, hãy dành cho trẻ những mùa hè thật bổ ích, đúng nghĩa. Việc học thêm nếu có hãy làm sao cho trẻ học mà vui, tránh bị căng thẳng. Làm sao trẻ có những mùa hè đáng nhớ, khi các con lớn lên không bị ám ảnh bởi những mùa hè dày đặc lịch học thêm, để không còn một “học kỳ 3” trong năm.
Xử lý theo quy định
Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè.
Theo đó, việc ôn tập văn hóa trong hè chỉ dành cho học sinh, học viên có học lực yếu, kém. Hiệu trưởng các nhà trường, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh, học viên có học lực yếu, kém; Bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những học sinh, học viên thuộc diện thi lại, học sinh phải rèn luyện trong hè.
Sở cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện công tác quản lý và duy trì sổ trực hè nhằm bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, không để xảy ra bất kỳ vụ việc vi phạm quy định.
Phòng GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo Ban giám hiệu, tổ chuyên môn thống nhất hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo hình thức "chơi mà học, học bằng chơi", phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục mầm non; Chú trọng các hoạt động dạy trẻ, bảo vệ an toàn bản thân, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Hãy trả lại một mùa hè đúng nghĩa cho trẻ em. Ảnh minh họa. |
Sau khi yêu cầu của Sở GD&ĐT được ban hành, các Phòng GD&ĐT trên địa bàn TP cũng rốt ráo thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: "Phòng đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm các văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc cấm dạy thêm, học thêm. Việc dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại các Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, TT số 17/2012/TT-BGDĐT".
Về hình thức xử phạt với các trường hợp dạy thêm, học thêm sai quy định, Phòng sẽ thực hiện theo đúng các văn bản hiện hành quy định tại Điều 7 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, phạt tiền (theo các mức) với các trường hợp: Không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất (1-2 triệu đồng), dạy không đúng đối tượng (2-4 triệu đồng), không đúng nội dung được cấp giấy phép (4-6 triệu đồng), tổ chức dạy chưa được cấp phép (6-12 triệu đồng).
Hình thức bổ sung, tước tuyền sử dụng dạy thêm từ 6-12 tháng với trường hợp vi phạm (dạy không đúng đối tượng, dạy học không đúng nội dung được cấp phép). Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12-24 tháng với trường hợp tổ chức dạy mà chưa được cấp phép.
Dù văn bản, quy định xử phạt về vi phạm dạy thêm, học thêm luôn có nhưng năm nào cũng vậy, tình trạng này ở Hà Nội vẫn tiếp diễn. Vậy nên, cần xử lý thật nghiêm những bất cập trong quá trình quản lý, cấp phép khiến hoạt động này trở nên rối loạn, biến tướng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Trong khi đó, tại tỉnh Bắc Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động cho trẻ em, học sinh hè năm học 2021-2022.
Đáng chú ý, Sở yêu cầu đối với các trường tiểu học, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường; không được dạy trước chương trình. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm quản lý giáo viên dạy ngoài nhà trường theo đúng quy định.
Trong khi đó, đối với các trường THCS và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở chỉ đạo nghiêm cấm các nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè (trừ học sinh lớp 9 ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 và học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022).
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng khuyến nghị các địa phương, đoàn viên thanh niên, tổ dân phố... xây dựng các lớp rèn luyện kỹ năng sống, bơi lội, thể thao; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền, bổn phận của trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, về công tác phòng ngừa tội phạm, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh...
Tác giả: Tâm Hùng
Nguồn tin: phapluatplus.vn