CĐV ầm ĩ, cầu thủ bị ảnh hưởng tâm lý
- 09:01 07-06-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
"Thay vì cảm nhận bầu không khí sân cỏ, tinh thần fair play trong thể thao, tôi chỉ thấy tức giận, khó chịu", độc giả Nguyễn Khánh bình luận bên dưới bài viết 'Bay lên trời là bay ra ngoài' là lời cổ vũ hay cản trở thể thao? của Zing.
"Bay lên trời là bay ra ngoài" là lời hát chế khá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Ban đầu, câu hát khiến khán giả thích thú vì xuất phát từ nhóm cổ động viên nhiệt thành.
Tuy nhiên, khi xuất hiện ngày một thường xuyên và ầm ĩ, đặc biệt tại VCK U23 châu Á 2022, lời cổ vũ này bị nhiều người phản đối.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng dù không thô tục hay có hàm ý xúc phạm bất kỳ ai, những âm thanh ồn ào quá mức như vậy dễ khiến cầu thủ mất tập trung, lấn át cả hiệu lệnh của trọng tài lẫn chỉ đạo từ phía ban huấn luyện.
Khi trở thành khán giả theo dõi trận đấu qua truyền hình hay một nhóm nhỏ cổ động viên ở trên sân khách, mọi người mới thực sự hiểu được sự khó chịu và cảm giác ức chế khi nghe phải những âm thanh cổ động quá chói tai.
Trong trận đối đầu giữa tuyển Việt Nam - UAE vào tháng 6/2021, khán giả UAE đã phủ kín sân vận động Zabeel để cổ vũ cho đội nhà. Họ mang theo các loại nhạc cụ và mở "show âm nhạc" xuyên suốt trận đấu.
Nhiều khán giả Việt Nam theo dõi trận đấu qua màn ảnh thậm chí phải tắt âm để có thể tập trung xem đến hết trận.
Tương tự, trong trận đấu giữa Việt Nam và Saudi Arabia tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 hồi tháng 9 năm ngoái, cổ động viên Việt Nam cũng tỏ ra bức xúc bởi âm thanh cổ vũ quá ồn ào trên sân vận động King Saud University.
“Tiếng nhạc còn át cả tiếng còi trọng tài”, “Chỉ sợ ngủ gật khi nghe đội bạn cổ vũ”, “Chẳng lẽ xem bóng đá mà phải tắt tiếng”... là những bình luận phàn nàn của khán giả.
Khán giả khó chịu vì âm thanh ồn ào trên sân vận động Zabeel trong trận đối đầu giữa Việt Nam và UAE hồi tháng 6/2021. Ảnh: Y Kiện. |
Không chỉ người xem, ngay cả các cầu thủ trên sân cũng dễ bị phân tâm, ảnh hưởng tâm lý khi cổ động viên trên sân náo loạn.
Tại trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia, Bukit Jalil, sân vận động "ồn ào" nhất khu vực Đông Nam Á, đã thực sự trở thành "chảo lửa". Âm thanh cổ động lớn đến mức các cầu thủ tỏ ra vô cùng khó khăn khi trao đổi với nhau. Nhiều người thậm chí không thể nghe được tiếng còi từ trọng tài.
Ngay cả trên sân nhà, các cầu thủ cũng khó lòng tập trung nếu tiếng la hét, cổ vũ của cổ động viên quá chói tai.
Cầu thủ Trần Đình Trọng từng tiết lộ tiếng kèn Vuvuzela phổ biến trên các sân vận động ở Việt Nam khiến anh cùng đồng đội rất khó trao đổi trên sân.
Tương tự, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng cũng chia sẻ rằng tiếng kèn Vuvuzela là lý do khiến anh lo ngại mỗi khi thi đấu trên sân vận động Mỹ Đình.
Dù đôi lúc gây tranh cãi, âm thanh cổ vũ ồn ào vẫn được chấp nhận trong hầu hết môn thể thao thi đấu, ngoại trừ tại giải bóng bầu dục của Mỹ (NFL), theo The New York Times.
Từ năm 1989, 28 chủ sở hữu các câu lạc bộ tham dự NFL đã ký thỏa thuận ngăn chặn sự hỗn độn trên các khán đài, theo đó đội nhà có thể gặp bất lợi, chịu phạt nếu cổ động viên của họ quá ồn ào.
Nếu khán giả cố tình la hét lớn để đội đối thủ không thể trao đổi, liên hệ với nhau trên sân thì đội nhà có thể bị trọng tài tịch thu thời gian chờ.
Sau quy định này, NFL bị chỉ trích "vi phạm quyền tự do ngôn luận". Tuy nhiên, ban tổ chức giải đấu cho biết họ chỉ bảo vệ tính lành mạnh và công bằng trong thể thao.
NFL nói thêm giải đấu không hoàn toàn "anti" tiếng ồn, nhưng cổ động viên buộc phải biết cổ vũ đúng cách và đúng lúc.
NFL cấm cổ động viên quá khích và ầm ĩ, khiến các cầu thủ trên sân khó trao đổi thông tin. Ảnh: NFL. |
Một nghiên cứu của cựu kỹ sư NASA Mark Rober cũng góp phần củng cố các quy định của NFL.
Rober đã tiến hành đo lường độ ồn của việc vỗ tay và các vật dụng cổ vũ phổ biến như thundersticks (bambams), chuông gõ và kèn Vuvuzela. Nghiên cứu cũng ước tính tác động của những loại âm thanh này đến kết quả của các trận đấu bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ.
Kết quả cho thấy không phải cứ cổ vũ thật to và ồn ào thì trận đấu sẽ trở nên hấp dẫn hơn hay đội nhà có thêm cơ hội chiến thắng. Mối liên hệ giữa âm thanh cổ vũ và kết quả trận đấu khá mờ nhạt.
Tuy nhiên, việc khán giả cổ vũ ầm ĩ, phản cảm được chứng minh gây khó chịu cho người xung quanh và khiến các cầu thủ trên sân không thể chuyên tâm thi đấu, lắng nghe chỉ đạo từ huấn luyện viên.
Tác giả: Lê Vy
Nguồn tin: zingnews.vn