Hé lộ khoản thu "cứu" Vietnam Airlines giảm lỗ
- 07:23 31-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) cho biết ngày 3/1 và 29/3, hãng bay này đã nhận lần lượt 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của Vietnam Airlines tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6). Vào năm 2019, Vietnam Airlines cũng đã nhận khoản đặt cọc 1 triệu USD.
Như vậy, Vietnam Airlines đã thoái 35% vốn tại K6 và nhận về 34 triệu USD (năm 2009 góp 49% vốn và là cổ đông lớn nhất của K6). Đơn vị mua lại phần vốn này không được tiết lộ.
Sau chuyển nhượng, K6 không còn là công ty liên kết của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Vietnam Airlines sẽ thanh lý nốt phần vốn góp còn lại của khoản đầu tư (14%) trong năm nay.
Trước đó, theo thỏa thuận, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ tối đa cho hãng hàng không quốc gia Campuchia trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại với nhiều ưu đãi đặc biệt.
(Biểu đồ: Văn Hưng). |
Về khoản đầu tư tại K6, Vietnam Airlines đánh giá theo phương pháp vốn chủ sở hữu trong năm 2021 là 412 tỷ đồng, trong khi giá gốc của khoản đầu tư là 869 tỷ đồng. Khoản đầu tư đang bị đánh giá thấp hơn giá trị gốc 457 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với việc bán 35% vốn tại hãng hàng không quốc gia Campuchia và thu về số tiền lên đến 775 tỷ đồng (tức 34 triệu USD, được ghi nhận tại khoản Phải thu ngắn hạn khác), Vietnam Airlines đã lãi 648 tỷ đồng (được ghi nhận tại khoản Doanh thu hoạt động tài chính).
Tại thời điểm 31/12/2021, giá gốc khoản đầu tư còn lại là 248 tỷ đồng (lúc này khoản đầu tư vào K6 được phân loại từ khoản Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết sang khoản mục Đầu tư khác).
Lợi nhuận 648 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại K6 đã giúp Vietnam Airlines giảm phần nào số lỗ trong năm 2021, xa hơn là tổng số lỗ lũy kế. Thực tế, nếu không có khoản lãi trên, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines rất có thể bị hủy niêm yết bởi theo quy định tại Nghị định 155, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Năm 2021, doanh thu của hãng hàng không quốc gia đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế âm 13.338 tỷ đồng, giảm 20%. Kết quả trên khiến lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của hãng tại thời điểm 31/12/2021 ghi nhận âm 21.979 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tiệm cận vốn góp của chủ sở hữu là 22.144 tỷ đồng.
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí