Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


10 năm đi "xin máu", nữ sinh còn cơ hội sống nhưng gia đình đã khánh kiệt

Ròng rã 10 năm qua, Vân đến bệnh viện "xin" máu để sống. Giờ đây, bệnh diễn biến nặng, cơ hội sống là ghép tế bào gốc nhưng gia đình đã khánh kiệt.

10 năm đến viện "xin" máu 

Bản lĩnh và nghị lực là những gì tôi thấy toát lên từ gương mặt của cô nữ sinh 14 tuổi Hà Hồng Vân, học sinh Trường THCS Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Dù rất mệt bởi đã đến ngày đi truyền máu, Vân vẫn không một lời than thở. 

 Tháng nào cũng vậy, nếu không được đến bệnh viện kịp thời để truyền máu, Vân sẽ nguy kịch bởi nhiều biến chứng từ căn bệnh thiếu máu huyết tán.

3 tuổi, Hồng Vân được phát hiện mang căn bệnh hiểm nghèo thiếu máu huyết tán (còn gọi là Thalassemia), từ đó tháng nào em cũng cùng mẹ hoặc bà xuống bệnh viện để "xin" máu. Căn bệnh mà sự sống phải nhờ vào máu người khác và gắn liền với thuốc. Nếu không truyền máu và thải sắt theo định kỳ, em sẽ trở nên xanh xao, yếu ớt và gặp hàng loạt biến chứng như khuôn mặt biến dạng, gan, lách to, suy gan hoặc suy tim.

 Cô bé từ nhỏ đã phải sống với bà nội trong nghèo khó và bệnh tật bủa vây.

4 năm Vân được truyền máu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, sang năm thứ 5 đến nay, bệnh chuyển nặng, cô bé phải chuyển điều trị tại Bệnh viện huyết học Trung ương. Cơ hội sống duy nhất là được ghép tế bào gốc nhưng với hoàn cảnh của gia đình em thì điều đó là không tưởng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi hẻo lánh, bố mẹ quanh năm oằn mình làm thuê, làm mướn "gánh" bệnh cho em. 10 năm trôi qua, để có thể lo mỗi tháng cho em 4-5 triệu đồng tiền thuốc và chi phí đi Hà Nội, Vân đã sớm phải ở với bà, còn bố mẹ đi làm.

 

 Để có tiền mua thuốc và chữa bệnh cho Vân, suốt 10 năm qua những khoản nợ của gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng.

Khoản nợ cứ nhiều lên, bệnh tình thì ngày một nặng, dịch Covid-19 vừa qua khiến công việc của cả bố và mẹ lúc có, lúc không khiến những ngày đi viện của em lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

"Không có tiền đi viện con bé sẽ chết mất. Càng gần đến ngày truyền máu, cháu mệt mỏi và kiệt sức, chỉ có thể nằm một chỗ. Ít hôm nữa thôi là đến kỳ truyền máu mà chưa biết phải xoay xở đâu ra tiền", bà Trương Thị Hằng, bà nội của Vân buồn bã.

Mang cháu đi viện suốt nhiều năm, bà vẫn nuôi hy vọng mong manh rằng một ngày nào đó căn bệnh sẽ biến mất khỏi cơ thể cháu. Thế nhưng, 5 năm rồi 10 năm, niềm hy vọng ngày một ít đi, thay vào đó là nơm nớp "tử thần" sẽ mang cháu đi bất kể khi nào.

 Bà nội Vân ngậm ngùi khi đến kỳ truyền máu cho cháu nhưng chưa thể xoay xở đâu ra tiền.

"Bác sĩ bảo cơ hội sống của con bé là thay tế bào gốc hàng trăm triệu đồng nhưng chi phí cho mỗi lần đi viện còn chật vật nói gì đến khoản tiền khổng lồ ấy", bà Hằng ngậm ngùi quay đi len lén lau nước mắt.

Sống chung với bệnh hiểm nghèo, nữ sinh vẫn nhiều năm đạt học sinh giỏi

Tuy bệnh nặng và có thể bị cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào nhưng Vân vẫn luôn cố gắng cắp sách đến trường. Dù mỗi tháng Vân đi học được vài tuần nhưng năm nào cô bé cũng đạt học sinh giỏi.

 Dù mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng cô bé Vân rất nghị lực và kiên cường.

Với Vân, việc học có thể khiến em quên đi những buồn lo về bệnh tật, khát vọng sống hơn bao giờ hết. Mới đây, trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp huyện, Vân đã giành giải khuyến khích mặc dù thời điểm đó đã đến kỳ truyền máu và sức khỏe yếu.

"Nếu không được học, bệnh của con có thể sẽ nặng hơn… Con ước mình được chữa khỏi bệnh và trở thành cô giáo", Vân chia sẻ.

Cô giáo Trịnh Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm của Vân tâm sự: "Những ngày cuối cùng để bước vào kỳ thi, cả cô và trò đều miệt mài ôn, biết gần đến ngày truyền máu, em sẽ rất mệt, nhắc nghỉ thì em lại trốn ra chỗ khác học. Có đêm, 3h sáng thức dậy đã thấy em ngồi học từ lúc nào. Thật sự, rất thương và khâm phục em".

 Cô bé ước một ngày nào đó không còn phải sống nhờ máu người khác và được trở thành cô giáo.

Ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc cho biết: "Vân được bố mẹ gửi cho bà nội nuôi từ nhỏ để đi làm thuê lấy tiền chữa bệnh cho cháu. Gánh bệnh cho con suốt nhiều năm nên gia cảnh lâm vào khó khăn. Từ khi dịch Covid-19, hai vợ chồng công việc không ổn định, không có thu nhập, trong khi bà nội cũng là hộ nghèo.

Biết cháu mắc bệnh hiểm nghèo, lại rất nỗ lực, luôn đạt học sinh giỏi, địa phương cũng rất quan tâm. Chúng tôi đã huy động kêu gọi từ các cá nhân, đoàn thể trong xã cũng như trích quỹ tình nghĩa hỗ trợ, tuy nhiên không được bao nhiêu, chỉ là động viên cháu thôi. Chúng tôi rất mong cháu được các nhà hảo tâm giúp đỡ để có cơ hội được chữa trị".

 Bà Hằng xót xa khi kể về những thành tích học tập của cháu.

Chia tay hai bà cháu Hồng Vân, tôi vẫn bị ám ảnh bởi đôi mắt tròn, to, sáng ngời như ánh lên bao điều hi vọng của em. Là em chờ và mong lắm được những đôi bàn tay giơ ra để cứu giúp, cho em có cơ hội sống, được đi học và được thực hiện ước mơ trở thành cô giáo…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Lê Thị Mai (mẹ của em Vân)

Địa chỉ: Làng Kìm, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa

Điện thoại: 0971.353.188

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí