Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Có thể xử lý nhiều hành vi
- 10:37 30-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xe biếu tặng vẫn nhập nhiều về Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 |
Khi ô tô được nhập khẩu (NK) theo hình thức biếu, tặng, các tổ chức, cá nhân vẫn phải nộp các loại thuế liên quan như thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT) để được thông quan, đồng thời phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) do có khoản thu nhập bất thường. Tuy nhiên, theo luật sư Hồi, như thông tin báo Tiền Phong đăng tải, bên tặng cho và bên nhận lợi dụng đặc thù của loại hình quà biếu, tặng không có hóa đơn VAT để khai giá trị xe đầu vào thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Từ đó, khiến cho các khoản thuế NK, thuế TTĐB và thuế VAT được giảm rất nhiều so với xe NK theo hình thức thương mại thông thường.
Để xảy ra tình trạng trên, theo luật sư Hồi, có một phần trách nhiệm của hải quan bởi ô tô là mặt hàng phổ biến được niêm yết giá khá rõ ràng, từ đó, có thể chỉ ra được sai phạm trong việc kê khai giá trị thực của ô tô. Đối với các cá nhân, DN không hạch toán giá trị xe vào khoản thu nhập của cá nhân/DN nhằm giảm số thuế thực phải nộp, theo vị luật sư, các cơ quan thuế địa phương cần làm việc, thanh kiểm tra để yêu cầu họ nộp đầy đủ, không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. “Tôi cho rằng cơ quan thuế địa phương có đầy đủ chế tài, công cụ để thực hiện công việc này. Thậm chí họ có thể đưa vụ việc sang Công an để xử lý”, luật sư Hồi bày tỏ.
Trường hợp có đầy đủ chứng cứ chứng minh bên tặng cho và bên nhận cố tình khai báo không đúng giá trị thật của xe, giảm số tiền thuế thực nộp, theo luật sư Hồi, có thể coi đó là hành vi trốn thuế. Các hành vi này vi phạm quy định tại Điều 16 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Theo luật sư, bên được tặng cho có thể bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, buộc nộp đủ số tiền thuế này. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm hoặc phạt tiền lên đến 4,5 tỷ đồng.
Siêu xe biếu tặng gây chú ý dư luận. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Ngoài ra, theo Giám đốc Cty Luật TNHH My Way, trường hợp cơ quan chức năng có đầy đủ tài liệu chứng minh được đây thực chất là hoạt động mua bán hàng hóa (ô tô) xuyên biên giới được ngụy tạo thông qua việc NK quà biếu, tặng, những người vi phạm có thể đối mặt với việc phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 188 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu buôn bán qua biên giới trái pháp luật hàng hóa từ 100 triệu đồng đã có thể bị xử lý với hành vi buôn lậu, mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này từ 12-20 năm nếu thu lợi bất chính đến 1 tỷ đồng.
Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, nhiều DN được lập lên dường như chỉ có một mục đích duy nhất là nhận tặng xe, sau đó giải thể, mất tích, hoặc không còn hoạt động. Luật sư Hồi cho rằng, cần xét đến mối quan hệ tổng thể trong cả quy trình: Tặng cho xe -> nhận -> bán cho bên thứ nhất -> bán cho bên thứ hai -> người tiêu dùng. Trong quy trình này, giá trị thực của xe được khai thấp xuống, từ đó, người đứng sau sẽ hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá trị thực tế, cũng như số thuế phải nộp với giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. “Rõ ràng, khi có ưu thế về giá thì họ đã có ưu thế cạnh tranh đặc biệt lớn với các showroom, đơn vị nhập chính hãng khác. Đương nhiên, họ cũng thu được lợi nhuận lớn thông qua việc lách thuế. Ngoài ra, với việc nhập xe qua hình thức biếu, tặng, DN được tặng cho sẽ không phải đáp ứng các điều kiện để NK theo hình thức thương mại quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ như: có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của DN, hoặc do DN ký hợp đồng thuê; thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của DN; có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh DN được quyền thay mặt DN sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô NK tại Việt Nam”, luật sư Hồi nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, ở Ninh Bình đã có 15 DN nhập xe về bán và mất tích. Cơ quan thuế không thu được thuế của các xe này, đã chuyển hồ sơ sang công an. Ở Hà Nội, từ năm 2019 đến 2021, có 5 DN nhập xe bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, 2 xe phía DN thông báo trả lại, 1 xe bị tịch thu và 4 xe chưa xác định được hành tung của DN. Vậy các DN, đối tượng bỏ trốn có thể đối diện nguy cơ bị điều tra, xử lý ra sao? Luật sư Lê Văn Hồi cho rằng, với những cá nhân bị các đối tượng mạo danh để thành lập DN, sử dụng DN này thực hiện việc nhận xe sau đó giải thể, ngừng hoạt động, có thể coi là nạn nhân. Còn những cá nhân cố tình thực hiện hành vi thành lập DN, nhận tặng cho, sau đó ngừng hoạt động kinh doanh, không nộp thuế có thể đối mặt việc phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn thuế theo quy định tại Ðiều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. |
Chính sách lỗi thời cần sửa đổi, bãi bỏ?
Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, dù phía Hải quan trả lời báo chí khẳng định không có thất thu thuế nhưng như những gì phóng viên Tiền Phong điều tra, phản ánh cho thấy đã xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực khi một số DN, cá nhân được tặng xe mất tích, giải thể, bỏ trốn. “Chính phủ nên yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, báo cáo tổng thể bằng văn bản từ khi Thông tư 143 có hiệu lực đến nay có bao nhiêu xe được biếu tặng, bao nhiêu DN, cá nhân đang dùng đúng mục đích, bao nhiêu xe đã xuất bán. Đặc biệt, cần làm rõ số thuế thu được chính xác từ các xe này, nhất là với những xe đã mua bán, chuyển nhượng qua người khác”, bà An nói.
Ngoài ra, theo bà An, sau khi rà soát, đánh giá tác động tới thị trường ô tô và chính sách, nếu thấy Thông tư 143 không còn phù hợp với thực tại, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính cần có đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ để ngăn chặn các nhóm lợi ích trục lợi.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty Luật TNHH An Vi, ở đây có bất cập ngay từ đầu tại Thông tư 143. “Phải có luật quy định chứ thông tư không thể quy định chặt chẽ việc này. Ô tô là mặt hàng đánh thuế cao nhất, do đó giá xe luôn có độ vênh. Các bộ, ngành quản lý cần có quy định khung giá xe để áp dụng chung với mỗi chủng loại xe, dung tích xi-lanh, năm sản xuất, để tính thuế. Chỉ cần thu đúng, thu đủ thì không ai đi biếu tặng nữa”, luật sư Đức nhận định.
Theo luật sư Đức, nếu có biếu tặng thực sự thì các đối tác chỉ biếu cái xe giá vừa phải, chứ siêu xe, xe sang hàng chục tỷ đồng như thế, DN phải làm ăn siêu lợi nhuận, doanh thu hàng trăm nghìn tỷ mới đem biếu. Đằng này, DN giao dịch bằng không, mới thành lập, cá nhân vô danh tiểu tốt ở nông thôn cũng được biếu. Luật sư Đức cho rằng, trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính ở đây quá rõ, phải rà soát, điều chỉnh ngay Thông tư 143, trong khi tình trạng này đã diễn ra 7 năm qua.
Đối với các đơn vị bán xe (showroom), nếu tiêu thụ các loại xe này, luật sư Lê Hằng, Cty Luật TNHH Trương Anh Tú, cho rằng cần được các cơ quan có thẩm quyền (hải quan, thuế…) vào cuộc xác minh, làm rõ. Nếu có dấu hiệu vi phạm, sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp có căn cứ về hành vi gian lận thuế, các cá nhân, tổ chức đó có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với dòng tiền ngoại tệ chuyển qua nước ngoài theo hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản, theo luật sư Lê Hằng, cơ quan chức năng cần làm rõ, nếu đủ dấu hiệu tội phạm, có thể truy cứu hình sự theo Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Để ngăn chặn tình trạng trục lợi từ NK ô tô biếu tặng này, theo luật sư, trong việc xây dựng pháp luật, cần tăng chế tài hình sự đối với tội trốn thuế vì qui định hiện hành mức phạt tù cao nhất 7 năm chưa đủ tính răn đe. Đồng thời, các cơ quan như hải quan, thuế cần nâng cao việc thu thập xử lý thông tin về những hành vi có dấu hiệu tội phạm trốn thuế, gian lận thuế để kịp thời chuyển hồ sơ cho công an xử lý.
Tác giả: Nhóm PV Điều tra
Nguồn tin: Báo Tiền phong