“Hố tử thần” ở “thủ phủ” khoáng sản - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo dừng ngay hoạt động khai thác
- 16:24 29-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Như Báo Công Thương có nhiều bài phản ánh về việc địa bàn xã Châu Hồng huyện Quỳ Hợp Nghệ An liên tục xuất hiện các "hố tử thần" hàng trăm giếng nước sinh hoạt bỏng nhiên trơ đáy không rõ nguyên nhân khiến người dân hoang mang.
Liên quan đến hiện tượng sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An bị phê bình |
Sáng 29/5, ông Nguyễn Đức Trung - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã đến xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp để kiểm tra hiện tượng sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô sau thông tin báo chí và người dân phản ánh.
Cũng trong buổi đối thoại với người dân xã Châu Hồng, Chủ tịch tỉnh Nghệ An chỉ đạo, trước mắt ưu tiên di dời khẩn cấp người dân ở những nơi có nguy cơ cao bị sụt lún, hố sâu. Đây là yêu cầu tiên quyết trong việc đảm bảo tính mạng người dân. Đồng thời sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún nhà cửa, xuất hiện các “hố tử thần” trên địa bàn xã Châu Hồng.
Ông Nguyễn Đức Trung cho hay, đã 4 năm qua người dân cũng như xã đã báo cáo tỉnh trạng thiếu nước sinh hoạt, sụt lún nhà cửa...tuy nhiên đã có chậm trễ trọng xử lý, chính quyền sẽ có câu trả lời thoả đáng cho người dân.
“về hiện tượng sụt lún nhà dân vừa qua tại Châu Hồng. Người dân phản ánh, có hiện tượng lấp hố để che dấu việc khai thác khoáng sản không đúng quy định. Nếu có hiện tượng như thế xẩy ra, và có những sai phạm như vậy ở các công ty khai thác khoáng sản, Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiệm. Tỉnh đã mời công an vào cuộc làm rõ cho người dân, ai, cấp nào sai phạm đến đâu sẽ xử lý luôn đến đó...”, ông Trung khẳng định.
“Nguyên nhân sụt lún nhà dân, khô cạn nước sinh hoạt, huyện Quỳ Hợp đã thuê liên đoàn địa chất vào đánh giá kiểm tra. Phải có kết quả báo cáo sớm nhất cho người dân trước 30/6 tới", ông Trung nhấn mạnh.
Một hố sụt lún ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. |
Trước bức xúc của người dân xã Châu Hồng về chính sách hỗ trợ cho người dân, nếu các hộ dân ở trong địa bàn tiếp tục có hiện tượng sụt lún, nguy hiểm thì hỗ trợ như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Trung nêu rõ “sẽ có hỗ trợ kịp thời cho người dân, sẽ có biện pháp lâu dài và trước mắt cho người dân. Trước mắt sẽ di dời những hộ dân nằm trong khu đã sụt lún ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn khi tìm ra nguyên nhân cụ thể nếu có trách nhiệm của công ty Công ty CP Tân Hoàng Khang trong việc khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng, phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân. Thành lập ngay đoàn kiểm tra, và công an tỉnh vào cuộc kịp thời để có câu trả lời cho bà con sớm nhất...”, ông Trung khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Phải ngừng ngay hoạt động bơm nước khai thác khoáng sản của công ty CP Tân Hoàng Khang”.
Trước đó, từ ngày 21/4, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các Sở ban ngành, địa phương về việc sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân tại xã Châu Hồng.
Trong đó giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý trước ngày 28/4. Tuy nhiên đến ngày 27/5, Sở NN&PTNT chưa có báo cáo phương án xử lý dứt điểm là chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hình ảnh hầm khai thác quặng thiếc ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khi người dân đi vào kiểm tra |
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phê bình Sở NN&PTNT trong việc chậm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý. Yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tham mưu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, UBND huyện Quỳ Hợp và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý việc sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trước ngày 31/5.
Như Báo Công Thương đưa tin, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được xem là "thủ phủ khoáng sản" ở huyện Quỳ Hợp với 11 doanh nghiệp đang khai thác, bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.
Theo báo cáo UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Trong khi, toàn xã chỉ có 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự. Nghiêm trọng nhất là các vết nứt ở Trường THCS Châu Hồng, đe dọa tính mạng của hàng trăm giáo viên và học sinh. Ngoài ra, trụ sở xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm nhưng cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2cm…
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công thương