Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Nhâm Mạnh Dũng chưa có cửa so với Công Phượng, Tiến Linh nhưng hãy cho em thêm thời gian"

Cựu danh thủ Nguyễn Hải Biên - người hiện là Phó Giám đốc trung tâm Viettel - phụ trách đào tạo trẻ, đặt niềm tin rất lớn ở cậu học trò Nhâm Mạnh Dũng.

 

QUYẾT ĐỊNH "TRÁI KHOÁY" CỦA THẦY PARK & PHA "QUAY XE" TẠO NÊN LỊCH SỬ

"Nhưng thực ra ở U23 Việt Nam, thầy Park mấy khi để Nhâm Mạnh Dũng đá tiền đạo đâu. Cậu ấy toàn được cho đá trung vệ ấy chứ..." - cựu danh thủ Nguyễn Hải Biên, người hiện là Phó Giám đốc trung tâm Viettel - phụ trách đào tạo trẻ đã chia sẻ với chúng tôi như thế, sau khi Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn thắng lịch sử, giúp U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan 1-0, bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games.

"Hôm rồi thiếu tiền đạo quá thì thầy Park mới đẩy lại Dũng chơi tiền đạo. Nên nói vui là nhiều lúc chúng tôi cũng hơi vất vả. Lúc lên tập trung tuyển thì Dũng toàn tập trung vệ, về CLB lại bố trí tiền đạo. Nhiều lúc Mạnh Dũng mất cảm giác. Đang quen toàn tranh chấp, phá bóng lại phải đá độc lập, ghi bàn thì cũng khó.

Cũng may là ở Chung kết, Mạnh Dũng ghi được một bàn thắng tốt. Tình huống ghi bàn ấy quá khó, đi vào lịch sử rồi. Nó cũng là bàn thắng khó như Công Vinh ngày xưa đánh đầu ngược, ghi bàn giúp ĐTVN vô địch AFF Cup 2008 vậy!" - cựu danh thủ Nguyễn Hải Biên tiếp.

Nghe hơi hài hước, nhưng quả đúng như vậy. Nhâm Mạnh Dũng trưởng thành từ lò đào tạo Viettel, từ năm 2012 trở đi hầu như đều chơi vị trí tiền đạo. Nhưng khi về dưới tay HLV Park Hang-seo, cầu thủ cao 1m78 này lại được ông thầy người Hàn Quốc hướng về đá... trung vệ. Chỉ khi U23 Việt Nam thiếu người chơi tốt ở hàng công, Mạnh Dũng mới được đẩy về vị trí sở trường.

May là ở Chung kết SEA Games 31, Mạnh Dũng đã không "quên" cách ghi bàn như người thầy Hải Biên tâm sự phía trên. Thậm chí, không chỉ không quên cách ghi bàn mà Nhâm Mạnh Dũng còn có một pha đánh đầu đẳng cấp, xét trên tầm thế giới cũng là rất khó thực hiện.

 Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn thắng lịch sử cho U23 Việt Nam tại SEA Games 31 (Ảnh: Như Đạt).

Giữa vòng vây của 3 cầu thủ U23 Thái Lan, Nhâm Mạnh Dũng bật cao, lắc đầu đưa bóng đi mạnh và hướng thẳng về góc chữ A khung thành đối phương, khiến thủ môn Kawin dù bay người hết cỡ vẫn phải nhận bàn thua. Không hề quá khi so sánh pha đánh đầu này với cú đánh đầu ngược cực khó của Công Vinh năm 2008, đưa ĐTVN lần đầu vô địch AFF Cup.

HLV Park Hang-seo đã một lần quyết định "trái khoáy" khi chuyển Mạnh Dũng từ tiền đạo về làm trung vệ và sau đó "quay xe" để đặt lại cậu học trò lên hàng công. Chính pha quay đi nhưng kịp thời quay lại của chiến lược gia Hàn Quốc đã giúp mang tấm HCV về cho U23 Việt Nam.

NGÔI SAO ĐẦY TIỀM NĂNG ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN KHÓ TRÊN ĐTVN CHO HLV PARK HANG-SEO

"Mạnh Dũng là cầu thủ tôi hiểu rất rõ. Tôi rất tin tưởng vào cậu ấy ngay từ khi Mạnh Dũng còn bé. Năm 2012, tôi đã dẫn dắt Mạnh Dũng thi đấu ở lứa U13 rồi. Năm ấy đội của Dũng đá U13 Đông Nam Á, cũng lọt vào Chung kết đấy rồi thua Thái Lan ở phút cuối.

Khi đó có Nhâm Mạnh Dũng, Hữu Thắng, Danh Trung, Thanh Bình… là lứa tôi huấn luyện từ nhỏ. Tôi đánh giá rất cao Nhâm Mạnh Dũng. Nhâm Mạnh Dũng thì lành lắm, như Tuấn Tài, Hữu Thắng, Thanh Bình… toàn những người hiền lành, ít nói" - Phó Giám đốc trung tâm Viettel - phụ trách đào tạo trẻ Nguyễn Hải Biên kể tiếp về cậu học trò.

Nhắc tới Nhâm Mạnh Dũng, cựu danh thủ Hải Biên cũng có chút ngậm ngùi. Anh kể, môi trường quân đội rèn những cậu học trò của mình, như Nhâm Mạnh Dũng, trưởng thành sớm hơn. Điều đó có thể giúp ích nhiều cho họ trong tương lai, nhưng đổi lại tuổi thơ sẽ ít niềm vui hơn.

"Môi trường Viettel là môi trường quân đội, được rèn kỹ về kỷ luật. Nhiều khi các em còn nhỏ, cũng hơi thiệt thòi so với các em ở môi trường khác. Nhưng chúng tôi hướng tới đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp. Chứ không phải chúng tôi đào tạo cầu thủ rồi chỉ áp các mục tiêu ngắn hạn, như là buộc phải HCV U13, hay HCV U15… Cái đó nếu đạt được thì tốt, nhưng không phải tất cả.

Chúng tôi cố gắng đào tạo cầu thủ để sau thành công lên chuyên nghiệp, đáp ứng cho CLB, đáp ứng cho đội tuyển. Hoặc nếu không thể cho Viettel thì cũng cho được các CLB khác.

Có thể khi còn nhỏ, các em thiệt thòi vì bị gò kỷ luật quá sớm, nhưng tính cách ấy sẽ tốt cho các em sau này trưởng thành. Ngay cả khi không làm cầu thủ chuyên nghiệp thì khi các em ra ngoài đời, với tính cách kỷ luật cũng sẽ được mọi người tôn trọng.

Các em của Viettel 17, 18, 19 tuổi nhưng so với các đội khác thì "gà" lắm. Vì các em được đào tạo theo giáo trình khắt khe lắm. "Gà" đấy nhưng tương lai sẽ rất tốt!".

 Nhâm Mạnh Dũng có tiềm năng để trở thành một tiền đạo xuất sắc của bóng đá Việt Nam (Ảnh: Như Đạt).

Khi được hỏi, Nhâm Mạnh Dũng còn cần phát triển những gì nữa, để trở nên xuất sắc, toàn diện hơn, cựu danh thủ Hải Biên nhận xét:

"Nhâm Mạnh Dũng thuộc diện có thể hình, tư duy chơi bóng tốt, kĩ thuật tốt. Chúng tôi đào tạo ngay từ bé, 12, 13 tuổi thì chưa theo vị trí cụ thể mà cơ bản thôi. Lên 14, 15 thì chúng tôi bắt đầu xếp vị trí cụ thể. Đa số Nhâm Mạnh Dũng đều chơi tiền đạo.

Mạnh Dũng nói chung là toàn diện, nhưng còn hơi mỏng người. Hai năm vừa rồi Viettel cho Mạnh Dũng lên chơi V.League thì cũng rèn được thêm về thể lực, sức mạnh. Tuy nhiên Mạnh Dũng cũng ít được vào thi đấu V.League nên chưa có sự tự tin, sự trưởng thành chưa đủ độ chín.

Nếu các em được thi đấu nhiều thì sẽ khác. Nhưng ở V.League, kết quả là quan trọng nhất. Nhiều khi chúng tôi cũng muốn xếp các cháu vào thi đấu lắm nhưng cũng khó. Danh Trung, Mạnh Dũng là lên đội một trước, Hữu Thắng lên sau. Hữu Thắng còn được cho Bình Định mượn một năm.

Tiền đạo Việt Nam có thiệt thòi vì đa phần các CLB dùng ngoại binh. Cầu thủ nội được chơi thì may ra có Tiến Linh. Ngay cả Công Phượng thi thoảng mới đá chính vị trí trung phong, còn lại chủ yếu đá tiền vệ. Nên rất khó cho các em như kiểu Mạnh Dũng được đá tiền đạo ở V.League".

 HLV Park Hang-seo sẽ được hưởng cả "quả ngọt" từ Mạnh Dũng trên cấp ĐTQG (Ảnh: Như Đạt)?

HLV Park Hang-seo từng than phiền rằng bóng đá Việt Nam có quá ít tài năng ở tuyến tiền đạo. Với những gì đã thể hiện tại SEA Games 31, Nhâm Mạnh Dũng là một niềm hy vọng cho tương lai hàng công ĐTQG. Nói về viễn cảnh này, cựu danh thủ Hải Biên dự đoán chặng đường phía trước đầy khó khăn, cần rất nhiều nỗ lực của Mạnh Dũng:

"Tôi nghĩ Mạnh Dũng có tiềm năng cạnh tranh vị trí tiền đạo trên ĐTQG đấy, nhưng phải cần 2, 3 năm nữa. Mà đấy là 2, 3 năm tiến bộ liên tục, được thi đấu thường xuyên. Còn hiện tại nếu so Mạnh Dũng với Tuấn Hải, Công Phượng, Tiến Linh… thì Dũng vẫn chưa có cửa. Ở cấp U23 thì Dũng còn tạm ổn".

Tập đoàn Viettel khen thưởng 4 ngôi sao của CLB tỏa sáng tại SEA Games 31

Ngày 24/5/2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã tổ chức chương trình tuyên dương 4 cầu thủ Viettel FC: Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thanh Bình, Nhâm Mạnh Dũng và Phan Tuấn Tài. Đây là 4 cầu thủ đã tham dự SEA Games 31 góp phần cùng đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương Vàng tại sân chơi này.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, Đại tá Tào Đức Thắng chia sẻ: "Tập đoàn rất tự hào về những nỗ lực của các cầu thủ Viettel. Với Hoàng Đức đây là lần thứ 2 giành huy chương Vàng SEA Games. Năm 2021 còn đánh dấu thành công của Hoàng Đức khi đạt Quả bóng Vàng Việt Nam.

Vị trí của Nhâm Mạnh Dũng có rất nhiều sự cạnh tranh, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội Mạnh Dũng đều bứt phá và đã chuyển hóa thành siêu phẩm trong trận Chung kết. Thanh Bình là chốt chặn quan trọng góp phần làm nên kỳ tích khi không bị thủng lưới bất cứ bàn nào. Tuấn Tài thi đấu rất tự tin và có trận Chung kết hay nhất giải.

Các cầu thủ Viettel còn rất trẻ: Hoàng Đức 24 tuổi, Thanh Bình - Nhâm Dũng 22 tuổi và Tuấn Tài 21 tuổi. Các em đều được đào tạo bài bản qua các lứa lớp của Trung tâm Thể thao Viettel với mục tiêu của Tập đoàn là góp phần phát triển bóng đá nước nhà. Các em hãy tiếp tục phấn đấu, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, thể lực để tiếp tục là niềm tự hào của Viettel và của Việt Nam".

 

Tác giả: Đoàn Dự (Ảnh: Như Đạt) 

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ