Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người Việt leo đỉnh Everest: 1 tỷ đồng/tour

Ngoài thể lực khỏe, sức bền và thêm bản lĩnh, tinh thần thép thì mức chi phí "khủng" gần 1 tỷ đồng là những yếu tố quan trọng để người Việt có thể chinh phục đỉnh Everest.

Ngày 13/5 vừa qua, anh Phan Thanh Nhiên (đến từ TPHCM) là một trong hai nhà leo núi Việt Nam chinh phục thành công đỉnh Everest trong năm 2022.

Sau đó 3 hôm, chị Nguyễn Thị Thanh Nhã (Céline Nha Nguyen) cũng trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên "nóc nhà thế giới".

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đã có tổng cộng 4 người (gồm 3 nam, 1 nữ) thành công đặt chân lên đỉnh Everest. So với thế giới, 4 nhà leo núi thành công không phải con số lớn. Tuy nhiên, điều này không phản ánh được rằng, người Việt Nam không đủ sức chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới.

 Anh Phan Thanh Nhiên là một trong hai nhà leo núi người Việt chinh phục thành công đỉnh Everest hồi giữa tháng 5/2022. Đây cũng là lần thứ 2 anh đặt chân tới "nóc nhà thế giới" (Ảnh: Thanh Nhien Phan).

 Để chinh phục được đỉnh Everest, các nhà leo núi có thể di chuyển theo hai con đường chính là phía đông nam từ Nepal hoặc phía đông bắc từ Tây Tạng (Ảnh: High Adventure Expeditions).

Cách đây 4 năm, anh Nhiên từng có ý định quay trở lại chinh phục đỉnh Everest sau lần leo thành công vào năm 2008. Tuy nhiên, vì bận rộn với công việc và gia đình nên anh không có thời gian tập luyện, rèn thể lực thường xuyên khiến kế hoạch cũng bị trì hoãn.

"Số tiền tôi có khi ấy cũng không dư dả, thể lực thì chưa tốt nhưng qua Nepal thì mọi thứ ổn hơn nhiều. Tôi không rõ lý do tại sao nhưng chắc có thể vì tâm lý đã được chuẩn bị tốt. Lần này, dù chưa hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra nhưng tôi rất vui và hạnh phúc vì thành công chinh phục đỉnh Everest lần hai với những kỳ tích riêng cho bản thân", nhà leo núi người Việt chia sẻ.

Để leo được đỉnh Everest, theo anh, cần đảm bảo một số vấn đề như có đủ tiền, đủ thời gian (khoảng hai tháng) và thể lực phù hợp. Đặc biệt, các nhà leo núi cần phải thích nghi tốt với điều kiện môi trường.

 "Vấn đề khó nhất là độ cao và cái lạnh. Nếu bạn không thích nghi được độ cao thì chỉ cần đến chân núi đã thấy sợ. Bởi vậy các nhà leo núi cần phải tập luyện để thích nghi được với độ cao, còn cái lạnh có thể khắc phục bằng thiết bị, quần áo", anh Nhiên cho hay (Ảnh: Thanh Nhien Phan).

Anh Nhiên khẳng định, người Việt Nam hoàn toàn có khả năng chinh phục đỉnh Everest. Tuy nhiên, chi phí và thời gian leo là yếu tố lớn khiến người Việt chưa có nhiều cơ hội đặt chân tới đây.

"Bản thân tôi đã leo đỉnh Everest hai lần nên hiểu, ngoài đam mê và thể lực thì tài chính cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Trung bình, chi phí tối thiểu cho một nhà leo núi muốn chinh phục "nóc nhà thế giới" là 40.000 USD (khoảng 927 triệu đồng), chưa bao gồm tiền vé máy bay, tiền thiết bị,... Đây là con số không hề nhỏ đối với người Việt", người đàn ông đến từ TPHCM nhấn mạnh.

 Anh Nhiên dự đoán, trong tương lai, số nhà leo núi người Việt đặt chân tới đỉnh Everest sẽ tăng lên. Hiện anh cũng huấn luyện một số thành viên để chinh phục "nóc nhà thế giới" trong thời gian sắp tới (Ảnh: Thanh Nhien Phan).

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Bishnu Lamsal - giám đốc công ty Nepal Hiking Adventure chuyên tổ chức tour leo núi ở Nepal nhận xét, người Việt Nam nói riêng và người Đông Nam Á nói chung "rất khỏe".

"Những nhà leo núi này thực sự khỏe mạnh và cường tráng hơn những gì tôi nghĩ. Họ chưa có nhiều cơ hội chinh phục đỉnh Everest do vấn đề nằm ở khoản chi phí lớn tới cả tỷ đồng. Tôi mong rằng, trong tương lai sẽ có nhiều người đến từ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được đặt chân thành công lên "nóc nhà thế giới", ông Lamsal nói.

Vị giám đốc này cũng nhấn mạnh, chi phí là yếu tố quan trọng nhưng nhiều người Việt có đủ khả năng cho vấn đề này nếu họ chuẩn bị được tinh thần và thể chất thật tốt. Ngoài ra, mức giá tối thiểu cho một chuyến leo đỉnh Everest khoảng từ 45.000 USD/người (hơn 1 tỷ đồng), bao gồm các khoản chi như hướng dẫn viên sherpa, giấy phép leo núi từ chính phủ Nepal, dụng cụ leo núi cá nhân, phí vận chuyển bình dưỡng khí,...

Tùy vào tiện ích và dịch vụ từng tour leo đỉnh Everest mà chi phí cho mỗi nhà leo núi sẽ khác nhau. Tour càng nhiều tiện ích đi kèm, giá càng cao nhưng du khách không thể phụ thuộc hoàn toàn vào đó để chắc chắn chinh phục được "nóc nhà thế giới".

Bên cạnh đó, một tour leo Everest có mức giá tầm trung rơi vào khoảng 61.000 - 85.000 USD (từ 1,4 - 2 tỷ đồng). Nếu muốn có hướng dẫn viên Âu Mỹ theo kèm 1-1 cùng dịch vụ trọn gói, nhà leo núi cần phải chi từ 118.000 - 135.000 USD (từ 2,7 - 3,1 tỷ đồng).

 Người Việt đủ sức để chinh phục đỉnh Everest. Trở ngại lớn nhất là khoản kinh phí "khủng" lên tới tỷ đồng cho một chuyến đi đặt chân tới "nóc nhà thế giới". Đây là nhận định của ông Bishnu Lamsal - giám đốc công ty Nepal Hiking Adventure chuyên tổ chức tour leo núi ở Nepal (Ảnh: Thanh Nhien Phan).

Tour chinh phục đỉnh Everest cao cấp nhất có giá tới 200.000 USD (4,6 tỷ đồng). Nhà leo núi tham gia tour này sẽ có hướng dẫn viên riêng và người bản địa (sherpa) giàu kinh nghiệm đi cùng. Họ cũng sẽ được cung cấp bình dưỡng khí không giới hạn, chuẩn bị sẵn lều nghỉ cũng như lập kế hoạch chế độ dinh dưỡng và tập luyện riêng để thích nghi với độ cao trong sáu tuần trước ngày khởi hành. Với tour này, nhà leo núi được nghỉ ngơi trong chiếc lều rộng rãi hơn ở Base Camp (trại căn cứ) và được phục vụ nhiều tiện ích khác.

Công ty của ông Lamsal cũng là đơn vị tổ chức chuyến chinh phục Everest lần thứ hai của anh Nhiên. Dù không đồng hành cùng anh nhưng vị giám đốc trẻ rất ấn tượng về nhà leo núi Việt.

Ông Lamsal đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần cố gắng không biết mệt mỏi và tận tâm của anh Nhiên, đặc biệt là niềm đam mê cháy bỏng với bộ môn leo núi.

"Anh ấy có vẻ ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong ẩn chứa trái tim nhân hậu, dễ gần và thân thiện. Suy nghĩ của anh Nhiên cũng làm tôi thấy ấn tượng, nhất là câu nói "điều đó khó nhưng ai cũng có thể làm được". Đúng như vậy, việc chinh phục đỉnh Everest không hề đơn giản nhưng nếu có quyết tâm và đủ động lực, bất cứ ai cũng có thể đặt chân tới đây", giám đốc Nepal Hiking Adventure chia sẻ.

Vị giám đốc này cũng gửi lời chúc mừng và động viên, bày tỏ tin tưởng tới anh Nhiên khi biết được dự định quay trở lại chinh phục đỉnh Everest mà không cần sử dụng bình dưỡng khí vào năm 2023 của nhà leo núi người Việt Nam.

Tác giả: Thảo Trinh

Nguồn tin: Báo Dân trí