Nghệ An: Bị bảo hiểm từ chối bồi thường, nhiều chủ tàu cá bị cháy nguy cơ mất nhà cửa
- 08:15 24-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bởi để đóng được tàu cá 67 trên chục tỷ đồng, mỗi chủ tàu đã phải thế chấp sổ đỏ của gia đình và người thân để vay ngân hàng. Tàu cháy, không được đền bù, cơ ngơi nhiều ngư dân cũng đang “chìm dần” theo những chiếc tàu cháy.
Nhà đất “chìm” theo tàu cá
“Thời gian đầu đóng tàu cá lớn để vươn khơi đánh bắt khá hiệu quả, cũng có tiền trả nợ ngân hàng. Nhưng sau đó, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp, nguồn thuỷ sản ngày càng hiếm nên năng suất đánh bắt càng ít đi. Hiện nay, gia đình tôi còn nợ 8,5 tỉ đồng, 3 sổ đỏ của gia đình và người thân đang thế chấp trong ngân hàng, giờ không biết làm gì để trả bớt nợ”- đó là lời ca thán của ông Hoàng Văn Quyết, chủ tàu cá bị cháy mang số hiệu NA-99188 TS, trú tại khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.
Ông Quyết đóng tàu cá 67 với 822 mã lực trị giá 12 tỷ đồng để ra khơi đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước khi đưa tàu vào khai thác, ông đã mua bảo hiểm tàu cá của Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An.
Ngày 14/1/2020, khi ông Quyết cùng 7 bạn thuyền khác đang kéo lưới trên biển thì tàu bị sự cố chập điện, bốc cháy rồi chìm. Các thiết bị trên tàu bắt lửa quá nhanh mặc dù đã cố gắng kìm chế ngọn lửa nhưng cuối cùng những người trên tàu đành phải ôm phao nhảy xuống biển rồi thoát chết nhờ có tàu bạn đến cứu. Cả tàu và ngư lưới cụ chìm dưới đáy biển, chủ tàu thiệt hại 12 tỉ đồng.
Sau vụ cháy của ông Quyết, các cơ quan chức năng điều tra, xác định nguyên nhân cháy tàu là do chập điện, nhưng đơn vị bảo hiểm lại từ chối bồi thường với lý do thời điểm cháy, ông Hoàng Văn Phi là máy trưởng của tàu nhưng mới được cấp chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng tư số 19872 năm 2013, độ tuổi theo CMND của ông Phi không phù hợp với điều 8, Quyết định số 77 ngày 30/6/2008 của Bộ NN-PTNT hết hiệu lực ngày 1/1/2019.
Tàu cá mang số hiệu NA-99188 TS của ông Hoàng Văn Quyết cháy giữa biển khơi (Ảnh do NVCC cung cấp) |
Trong căn nhà trên mảnh đất đã thế chấp toàn bộ để vay ngân hàng, ông Phan Văn Khuyên ở khối Tân Tiến, phường Quỳnh Phương buồn bã kể lại: “Năm 1987, ông xuất ngũ trở về địa phương và nối tiếp nghề đánh cá lâu đời của gia đình. Rồi ông lấy vợ, gom góp đóng tàu nhỏ để ra khơi. Dần dần ông sắm được 2 tàu đánh cá trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Năm 2016, ông bán 2 tàu cá này cùng thế chấp 3 bìa đỏ của người thân vay số tiền 6 tỷ đồng, tất cả ông dồn vào đóng tàu cá 67 với 812 mã lực, trị giá 12,7 tỷ đồng để vươn khơi bám biển.
Vào một ngày đầu tháng 10/2019, tàu cá trên chục tỷ đồng của ông Khuyên đang trên đường về đất liền thì bị bốc cháy. Ông Khuyên và 8 bạn thuyền trên tàu may mắn thoát nạn nhờ có tàu bạn kịp đến ứng cứu. Tuy nhiên, toàn bộ con tàu cùng ngư lưới cụ mua sắm trị giá trên 4 tỷ đồng cũng chìm theo xác con tàu.
Sau khi tàu bị cháy, các ngư dân an toàn trở về, cơ quan chức năng đã có biên bản xác nhận vụ cháy tàu này. Ông Khuyên cũng đã thuê 4 tàu và thợ lặn ra hiện trường 3 ngày để tìm kiếm, trục vớt xác tàu cháy nhưng không được vì chìm ở vị trí quá sâu nên không thể đem được xác tàu về đất liền để sửa chữa.
Ông Khuyên cho biết, sau khi đóng tàu xong, ông đã mua bảo hiểm cho tàu từ Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An với phí mỗi năm gần 47 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tàu cháy, ông đã làm hồ sơ thủ tục để xin cơ quan bảo hiểm bồi thường nhưng Bảo hiểm PJICO Nghệ An đã từ chối vì lý do thiết bị giám sát hành trình trên tàu không hoạt động kể từ ngày 21/7/2019 do Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận.
5 ngư dân trên tàu cá của ông Lê Bá Nam ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) được cứu sau khi tàu bị cháy tại vùng biển Quảng Trị ngày 15/7/2021 (Ảnh do người dân cung cấp) |
Không chấp nhận cách trả lời của cơ quan bảo hiểm, ông Khuyên làm đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân thị xã Hoàng Mai và vụ việc vẫn đang chờ ngày xét xử. Cháy tàu và chìm hết ngư lưới cụ đã khiến ông Khuyên không còn phương tiện đánh cá kiếm sống và trả nợ ngân hàng. Hiện nay, ông vẫn còn nợ ngân hàng 7,6 tỉ đồng. Cả bìa đỏ nhà ông và bìa đỏ của 3 người thân đều đang thế chấp trong ngân hàng.
Ông Khuyên nói: “Thiết bị giám sát hành trình của tàu chúng tôi được Chi cục Thủy sản Nghệ An lắp đặt miễn phí ngày 11/6/2019 trong đợt thí điểm lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019 của Chính phủ. Chúng tôi không hề biết nó có hoạt động thời gian như thế nào. Vì nhìn bằng mắt thường không thể biết được, trong khi quản lý hoạt động của nó cũng là cơ quan chức năng, ngư dân cũng không biết hỏng lúc nào”.
Nguy cơ mất cả thuyền lẫn chài
Được biết, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có 10 chủ tàu cá cháy tàu nhưng bị bảo hiểm từ chối bồi thường, trong đó có nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67.
Ông Lê Bá Kỷ, Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết, địa phương hiện có 8 tàu cá loại lớn bị cháy có mua bảo hiểm của 2 công ty bảo hiểm nhưng bị từ chối bồi thường. Lý do mà phía bảo hiểm đưa ra là tàu đánh bắt ở vùng lộng, ngoài phạm vi cho phép; thiết bị giám sát hành trình không hoạt động; máy trưởng trên tàu thiếu chứng chỉ… Sau khi bị từ chối bồi thường, một số chủ tàu bị nạn cho rằng, tàu bị cháy ở vùng lộng là do đang trong quá trình di chuyển chứ không phải đánh bắt. Ngoài ra, quá trình mua bảo hiểm do nhiều nguyên nhân nên ngư dân cũng không nắm hết các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm khi bị thiệt hại.
Mấy năm qua, vì sản lượng đánh bắt sụt giảm, giá hải sản thấp do dịch COVID-19 nhưng giá dầu và chí phí đi biển lại quá cao khiến cho ngư dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai gặp nhiều khó khăn |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An cho biết, trong các trường hợp bị từ chối bồi thường, Công ty căn cứ theo kết quả điều tra, xác minh của đơn vị giám định độc lập. Công ty không thể tự ý đưa lý do từ chối bồi thường mà không có cơ sở. Nếu chủ tàu không đồng tình, họ có quyền khởi kiện ra tòa và Công ty sẽ chấp nhận mọi phán quyết của toàn án.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cũng cho biết thêm, thời gian qua, Chi cục đã đồng hành với ngư dân trong việc đòi bồi thường thiệt hại. Mấy năm qua, ngư dân rất khó khăn vì sản lượng đánh bắt sụt giảm, giá hải sản thấp do dịch COVID-19 nhưng giá dầu và chí phí đi biển lại quá cao khiến rất nhiều tàu bị thua lỗ kéo dài, trong khi sự hỗ trợ từ nhà nước lại không có, nếu gặp thêm rủi ro cháy tàu nữa thì họ thực sự bị kiệt sức. Hiện, nhiều ngư dân là dù đã mua bảo hiểm, nhưng chủ quan, không hiểu biết hết về các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nên khi xảy ra rủi ro, họ bị từ chối bồi thường và rơi vào tình cảnh càng khốn khó.
Tác giả: Cao Sơn
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn