Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phát hiện dấu hiệu hội chứng tâm lý nghiêm trọng thúc đẩy bạo lực học đường

Gần 70% học sinh thừa nhận có biểu hiện stress, khoảng 43% có biểu hiện rối loạn lo âu và hơn 30% biểu hiện liên quan đến rối loạn trầm cảm... sau dịch Covid-19 kéo dài vừa qua.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục về bạo lực học đường đang bùng phát trở lại hiện nay.

Vừa qua, liên tiếp 2 vụ bạo lực học đường được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vụ việc đầu tiên xảy ra ở trường THCS Chi Lăng, Khánh Hòa. Một nữ sinh lớp 7 bị bạn học đánh đập dã man rồi đăng tải clip lên mạng xã hội. Cha của nữ sinh cho biết, con gái ông bị đánh, dọa dẫm từ năm lớp 6. Tuy nhiên, vì lo sợ sự trả thù, em đã giấu gia đình. Mãi đến khi đoạn clip được tung lên mạng xã hội, ông mới hay biết.

Vụ việc thứ 2 xảy ra tại Trường THCS Đồng Khởi, TP.HCM. Mạng xã hội lan truyền đoạn clip quay lại cảnh một nữ sinh lớp 7 trường này bị nhóm bạn đánh hội đồng (tát, nắm tóc, đánh lên đầu nhiều lần) tại khu vực nhà vệ sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, sự việc xảy ra vào tháng 2/2022, khi học sinh vừa quay trở lại trường sau đợt nghỉ dịch Covid-19, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân.

Thực tế, bạo lực học đường là vấn nạn phổ biến nhiều năm nay. Dù những giải pháp truyền thông, cảnh báo để giảm thiểu liên tục được triển khai, nhưng các vụ việc bạo lực học đường vẫn thường xuyên xảy ra ở mọi cấp học, lớp học. Lý do là gì và cần làm thế nào để bảo vệ con em chúng ta khỏi bạo lực học đường?

Không thể kỳ vọng môi trường học đường tuyệt đối hết bạo lực

Thưa TS. với vấn nạn bạo lực học đường, chúng ta đã bàn luận nhiều năm nay, đưa ra rất nhiều cảnh báo, giải pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thực trạng này có vẻ vẫn chưa được cải thiện. Theo TS, nguyên nhân là gì?

- Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chúng ta đừng bao giờ hy vọng trong nhà trường tuyệt đối hết bạo lực. Điều đó là không thể. Ở đâu còn có một cộng đồng làm việc cùng nhau, thì ở đó sự khác biệt, mâu thuẫn, xung đột và thậm chí bạo lực vẫn có thể xuất hiện.

Tình trạng bạo lực thời nào cũng có, ở đâu cũng có, chỉ là mức độ, tính chất khác nhau mà thôi. Chúng ta không thể đặt mục tiêu về một môi trường hoàn toàn không còn bạo lực. Vấn đề là phải làm sao để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ bạo lực, tạo ra một môi trường giáo dục tối ưu, lành mạnh.

Đây là giai đoạn học sinh đang thích ứng với môi trường học tập trực tiếp hậu Covid-19, do đó các vụ bạo lực học đường có thể bùng phát, gia tăng bởi những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhiệm vụ của những người quản lý, của thầy cô, cha mẹ là làm sao phòng ngừa, giảm thiểu nó ở mức thấp nhất.

 Nữ sinh bất lực chịu đựng vì bị bạn đánh hội đồng (Ảnh: Cắt từ clip)

Nhìn nhận từ thực tế, ông đánh giá thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam như thế nào?

- Trước đây, chúng ta đã có rất nhiều đánh giá về bạo lực học đường. Tuy nhiên, ở giai đoạn hậu Covid-19 thì chưa có đánh giá tổng thể nào. Nhưng nhìn chung, theo dự báo, trong giai đoạn thích ứng và học tập trực tiếp trở lại, bạo lực học đường sẽ có xu hướng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là những vấn đề tâm lý xuất hiện ở học sinh giai đoạn học trực tuyến và giai đoạn hậu Covid-19.

Theo một nghiên cứu mới của chúng tôi trên mẫu nghiên cứu gần 20.000 học sinh trong cả nước, đại diện cho các tỉnh thành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đã phát hiện những dấu hiệu của hội chứng tâm lý nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng và thúc đẩy bạo lực học đường.

Thứ nhất, tỷ lệ học sinh suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc tăng cao. Các em thừa nhận dễ có phản ứng xung đột với những người xung quanh do không kiểm soát được cảm xúc.

Thứ hai, tình trạng lạm dụng game, internet, lạm dụng điện thoại gia tăng một cách đột biến với khoảng gần 80% học sinh được khảo sát có dấu hiệu lạm dụng game, internet và mạng xã hội. Tình trạng này thường có liên quan trực tiếp với nguy cơ xuất hiện hành vi bạo lực.

Thứ ba, cả 3 chỉ số về những vấn đề hướng nội (gồm stress, trầm cảm, lo âu) đều có dấu hiệu gia tăng trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19. Cụ thể, gần 70% học sinh thừa nhận có biểu hiện stress, khoảng 43% có biểu hiện rối loạn lo âu và hơn 30% biểu hiện liên quan đến rối loạn trầm cảm. Những bất thường tâm lý thường nghiêm trọng hơn ở học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tất cả những chỉ số trên phản ánh bất thường đáng chú ý trong tâm lý ở học sinh. Điều này sẽ là nguy cơ lớn thúc đẩy tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong giai đoạn học trực tiếp hiện nay.

 Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục (Ảnh: Nguyễn Liên).

Phòng ngừa bạo lực đường phải là nhiệm vụ dài hơi, thường xuyên

Vậy gia đình, nhà trường và thầy cô cần làm gì để có thể phòng ngừa bạo lực học đường, bảo vệ con em mình, thưa TS?

- Phòng ngừa bạo lực đường phải là công việc thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ dài hơi mà lúc nào chúng ta cũng cần làm để tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh. Như tôi đã nói, riêng trong giai đoạn này, nguy cơ có thể sẽ cao hơn bởi những vấn đề tâm lý do Covid-19. Do đó, đầu tiên, nhà trường, các bậc phụ huynh và thầy cô phải tăng cường chú ý đến những học sinh có nguy cơ.

Về phía nhà trường, phải coi những hành vi bất thường của học sinh, trong đó có hành vi bạo lực là vấn đề đáng quan tâm ở giai đoạn các em bắt đầu quay trở lại học trực tiếp.

Về phía thầy cô và cha mẹ, phải thường xuyên quan tâm đến những hành vi bất thường của trẻ để có sự hỗ trợ. Chúng ta nên dành nhiều thời gian giúp các con hòa nhập lại, hình thành lại những thói quen trong quan hệ, tương tác với bạn bè, thầy cô trong điều kiện mới. Trẻ đã học online giai đoạn dài, thậm chí có những em mất tới gần 2 năm phải ở nhà, nên rất cần thời gian để xóa bỏ thói quen cũ, thích ứng với thói quen mới.

Bên cạnh đó, điều rất quan trọng là cần tiến hành những chương trình phòng ngừa tâm lý theo phổ rộng hoặc hỗ trợ cho những nhóm nguy cơ cao trong nhà trường, để giúp học sinh thích ứng tốt với môi trường học đường giai đoạn hiện nay. Từ đó mới giảm thiểu nguy cơ về bạo lực.

Những trẻ bị quay clip bạo lực rồi chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội có thể gặp phải những vấn đề tâm lý nào? Theo TS, cơ quan quản lý cần có giải pháp ra sao?

- Những đoạn clip, bức ảnh ghi lại cảnh bạo lực học đường tung lên internet, mạng xã hội đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến nạn nhân bị bạo lực. Đó là tổn thương tinh thần vô cùng sâu sắc, không dễ vượt qua.

Nếu vụ việc có ít người biết đến và nạn nhân không phải xem lại, nghe lại, không biết những bình luận và thái độ của người khác về mình thì mọi chuyện có thể qua đi. Nhưng đã bị bạo lực rồi mà phải xem lại các cảnh ấy, thấy những lời bình luận tiêu cực vẫn còn lưu lại thì nạn nhân không khác gì bị bạo lực lần hai, sẽ làm sâu sắc thêm nỗi đau của nạn nhân. Đây là điều rất tệ hại.

Quản lý những thông tin độc hại trên mạng xã hội như thế nào để không ảnh hưởng đến nạn nhân và không ảnh hưởng đến các bạn khác cùng trang lứa? Câu hỏi này phải dành cho các đơn vị quản lý truyền thông và an ninh mạng. Tôi nghĩ rằng những thông tin độc hại như thế phải được kiểm soát để tránh ảnh hưởng thêm đến nạn nhân và giới trẻ nói chung.

Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị bạo lực học đường

Trong vụ bạo lực học đường tại Khánh Hòa, nữ sinh đã bị đánh đập thời gian dài, nhưng gia đình, thầy cô không phát hiện ra. Theo TS, có những dấu hiệu nào để nhận biết một đứa trẻ đang bị bạo lực học đường, từ đó sớm có biện pháp bảo vệ các em?

- Việc trẻ bị bạo lực trong một thời gian dài nhưng không được hỗ trợ có trách nhiệm lớn của cha mẹ, thầy cô, nhà trường. Hơn nữa, kỹ năng ứng phó, giải quyết bạo lực của học sinh ấy còn thiếu hụt. Rõ ràng, cha mẹ, thầy cô đã chưa đủ quan tâm đến con, đến học trò của mình.

Đứa trẻ dễ bị bạo lực có những đặc điểm nhận biết mà chúng ta cần hết sức lưu tâm. Thứ nhất, nếu trẻ thường đi bạo lực người khác, thì cũng có nguy cơ bị bạn bè bạo lực ngược lại.

Thứ hai, trẻ có các đặc điểm về mặt thể chất, nhân cách như: trẻ nhút nhát, kỹ năng xã hội kém; trẻ có sự khác biệt rất lớn về hình thể, tính cách sẽ dễ bị bạn bè kỳ thị, cô lập và bạo lực. Bên cạnh đó, nếu trẻ rất ngoan, nhưng lại có sự khác biệt hoàn toàn so với nhiều trẻ khác (như học rất giỏi, trong khi lớp lại có quá nhiều bạn xấu; trẻ ngoan, giỏi không đi theo những việc làm xấu của số đông) cũng dễ trở thành đối tượng bị bạo lực.

Nếu trẻ bị bạo lực thời gian dài, cha mẹ, thầy cô có thể quan sát thấy từ các biểu hiện bên ngoài như: trẻ có biểu hiện lơ đãng, thất thần; sợ đến trường, xao nhãng học tập, kết quả học tập suy giảm. Thậm chí, có thể xuất hiện những dấu hiệu trên cơ thể: các vết xước, vết bầm tím; quần áo bị xé, cúc áo bị đứt một cách bất thường.

Đứa trẻ bị bạo lực, trải qua cảm giác sợ hãi cũng dễ bị mất ngủ, có những cơn hoảng loạn khi ngủ, hoặc thường rụt rè trong các mối quan hệ. Bố mẹ, thầy cô có thể dựa vào những dấu hiệu đó để quan sát, dự đoán trẻ có thể là nạn nhân của hành vi bạo lực.

Trân trọng cám ơn TS!

Tác giả: Nguyễn Liên

Nguồn tin: Báo Dân trí