Đã có quy định nhưng hiếm thấy cán bộ nào chủ động từ chức
- 08:13 20-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thư XIII, Trung ương đã ban hành nhiều quy định, nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn là dù đã có quy định nhưng trường hợp cán bộ chủ động từ chức vẫn là hy hữu.
(Đồ họa: PV/VOV2) |
Quy định 41: Mở ra văn hóa từ chức, khơi dậy lòng tự trọng của cán bộ
Năm 2018, Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định ghi rõ: Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp đó, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị có Quy định 41 thay thế cho Quy định 260 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ 4 trường hợp xem xét cán bộ từ chức gồm: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Quy định 41 được ban hành đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận xã hội bởi quy định này không chỉ là sự răn đe đối với tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền, mà đã mở ra văn hóa từ chức, khơi dậy lòng tự trọng trong mỗi cán bộ, đảng viên khi đã mắc những sai phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
Nhiều ý kiến đảng viên mong muốn, tinh thần này phải được quán triệt sâu sát đến từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Nếu đã vi phạm vào những điều đảng viên không được làm thì hãy từ chức để nêu gương, không phải đợi nhắc nhở.
Nhưng qua theo dõi trên thực tế, sau khi ban hành Quy định 260 hay Quy định 41, dù có đầy đủ căn cứ, tiêu chí được định lượng một cách rõ ràng, cụ thể, có tính pháp lý, là cơ sở để cán bộ nếu rơi vào một trong các trường hợp trên thì nên chủ động từ chức, nhưng vẫn hiếm thấy có trường hợp nào chủ động từ chức.
Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương |
Dù biết rõ sai lầm, khuyết điểm của mình nhưng vẫn bất chấp
Theo Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, sở dĩ cán bộ ta khó mở lời xin từ chức vì nhiều nguyên nhân.
Trước hết, ở ta vẫn chưa có văn hóa từ chức. Thứ hai, lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ nói chung còn thấp. Nhìn ra các nước có thể thấy, cán bộ của họ mắc một khuyết điểm nhỏ thôi là phải từ chức ngay lập tức. Một loạt cán bộ cấp cao ở nhiều nước trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi đã từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ, không còn đủ năng lực để tiếp tục lãnh đạo.
Một nguyên nhân sâu xa nữa là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân của nhiều cán bộ quá cao, dù biết rõ sai lầm, khuyết điểm của mình nhưng vẫn bất chấp, tham quyền cố vị, giữ cho được cái “ghế” vốn mang lại cho họ khá nhiều lợi ích về kinh tế, chính trị. Tình trạng này xuất hiện cả ở cấp cao lẫn cấp thấp bởi trên không làm gương thử hỏi làm sao cấp dưới tuân thủ.
Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn nhấn mạnh, từ sau khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, đặc biệt là khi chuyển sang cơ chế thị trường khiến người ta chạy theo lợi ích kinh tế, dẫn tới nhiều cán bộ phải cố giữ cho được vị trí của mình mặc dù nhiều người đều biết, năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều cán bộ tham nhũng, nhận hối lộ, chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ… gây bức xúc trong cơ quan, đơn vị nhưng vì lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ mà vẫn cố bám để đạt được mục đích cá nhân.
Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn cho rằng, chừng nào chúng ta chưa “quét sạch” được chủ nghĩa cá nhân thì đừng mong cán bộ mắc sai phạm từ chức.
Vì thế, theo ông, Đảng cần phải có một cơ chế mang tính chất cưỡng bức hoặc có những quy định cụ thể buộc cán bộ phải từ chức nếu không sẽ kỷ luật, cách chức.
"Thực tế là chúng ta chưa có những cơ chế cụ thể buộc cán bộ phải thực hiện nghiêm quy định về từ chức. Do đó, ngoài việc giáo dục ý thức tự giác thực hiện văn hóa từ chức, cần đặt ra những tiêu chí cụ thể như mắc những khuyết điểm như thế nào thì phải từ chức. Theo tôi cần có hệ thống những tiêu chí cụ thể, giống như Đảng chỉ ra những biểu hiện về suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống của người đảng viên, nếu vi phạm một trong các biểu hiện đó, là anh đã suy thoái. Tương tự, muốn cán bộ từ chức cũng phải đặt ra những tiêu chí như thế, nếu không phải chịu kỷ luật, cách chức. Như vậy mới tạo được sự nghiêm minh trong Đảng, trong Nhà nước”, Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn nêu quan điểm./.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo VOV