Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giá xăng sẽ tăng lần thứ tư liên tiếp, vượt 30.000 đồng/lít?

Dự báo giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều hành ngày 21/5 và vượt mức 30.000 đồng/lít.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật ngày 17/5 với RON 92 là 146,3 USD/thùng; xăng RON 95 là 150,3 USD/thùng, tăng mạnh so với ngày 10/5 (xăng RON 92 là 138,59 USD/thùng, xăng RON95 là 142,6 USD/thùng).

 Giá xăng bán lẻ trong nước có thể tăng lần thứ tư liên tiếp do giá dầu thế giới gần đây tiếp tục tăng cao.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng nóng sẽ đẩy giá xăng thành phẩm lên cao, khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, trong kỳ điều hành này, xăng khó tránh khỏi tăng giá.

“Mức tăng bao nhiêu phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý trích lập hoặc chi sử dụng quỹ bình ổn giá ra sao nhưng giá xăng dầu sẽ vượt 30.000 đồng mỗi lít”, vị này nói.

Trong kỳ điều hành ngày 11/5, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tăng tất cả các mặt hàng xăng. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít, bán ra 26.650 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Nhà điều hành thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng E5 RON92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít), dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa ngừng trích lập (kỳ trước là 119 đồng/lít) và dầu mazut tiếp tục không trích lập.

Thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu madut ở mức 33 đồng/kg (kỳ trước không chi), các mặt hàng xăng dầu khác không chi.

Nên giảm thêm thuế

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logictisc…Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cùng đồng quan điểm khi cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, sức mua còn yếu, việc tăng giá này sẽ khiến quá trình hồi phục kinh tế chậm lại. Vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.

“Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí doanh nghiệp, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế”, ông Long nói.

Vẫn theo ông Long, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Theo tính toán, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4.

Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

PGS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý việc giảm giá xăng cần tính toán kỹ bởi thuế xăng, dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Nếu giảm giá xăng dầu quá thấp sẽ kéo theo tình trạng buôn lậu phát triển. Thực tế, ngay trong tháng 4 - 5 vừa qua, khi giá xăng trong nước điều chỉnh xuống thấp, đã có một số vụ buôn lậu xăng dầu bị phát hiện ở phía biên giới Tây Nam.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải. Để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp.

“Ngành vận tải đứng trước quá nhiều thách thức. Chỉ có điều chỉnh thuế, phí xăng dầu mới có thể hạ nhiệt giá xăng, giúp doanh nghiệp bớt khó”, ông Bằng nói.

Tác giả: Hòa Bình

Nguồn tin: vtc.vn