20 phương thức xét tuyển đại học, thí sinh lựa chọn thế nào?
- 13:34 10-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) thừa nhận việc các trường đa dạng hóa phương thức xét tuyển mở ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh, nhưng cũng có phần hoang mang và khó lựa chọn.
Nữ sinh dự kiến đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân ngành quản trị kinh doanh. Để tăng tỷ lệ đỗ, ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập, Ngọc đăng ký thêm kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia.
20 phương thức xét tuyển trong mùa tuyến sinh 2022. |
"Em sẽ dự thi 2 đợt, đợt 1 để làm quen với hình thức thi, còn đợt 2 em quyết tâm thi tốt để lấy kết quả xét tuyển. Nhiều phương thức thì sẽ nhiều cơ hội trúng tuyển nhưng em thấy khá mệt vì loay hoay tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn các phương thức. Thậm chí một số trường đưa ra phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi với kết quả học khó hình dung", nữ sinh nói.
Để chắc chắn trúng tuyển đại học trong năm nay, nữ sinh còn đăng ký xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ ngoại ngữ vào Đại học Thương Mại và Đại học Hà Nội.
Lê Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Quyền (Nam Định) dự kiến lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường bằng 6 phương thức: điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học bạ, xét kết hợp điểm thi với phỏng vấn và xét tuyển thẳng.
Thảo lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển nhằm tăng cơ hội đỗ vào trường, ngành học bản thân mong muốn. "Năm nay các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khiến em có phần lúng túng. Đó là lý do em lựa chọn chiến thuật đăng ký xét tuyển càng nhiều phương thức càng tốt. Em dự kiến đăng ký khoảng 20 nguyện vọng", Thảo nói.
5 phương thức xét tuyển gốc
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ GD&ĐT thống kê 20 phương thức xét tuyển nhưng thực chất chỉ 5 phương thức gốc: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; học bạ; kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Các trường kết hợp các phương thức gốc trên với nhau để tạo nên nhiều "nhánh" nhằm đa dạng phương thức tuyển và tăng cơ hội cho thí sinh. Học sinh chỉ cần quan tâm và chuẩn bị đáp ứng tốt nhất có thể với các phương thức gốc trên, trong đó sở trường của bản thân thì đầu tư nhiều hơn để ưu tiên sử dụng khi đăng ký nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo và thí sinh phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để chạy "lọc ảo". Quá trình chạy "lọc ảo" sẽ chỉ cho phép mỗi thí sinh (theo mã định danh cá nhân) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.
Vì thế dù thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển 5 - 10 ngành/trường thì cũng sẽ chỉ được trúng tuyển vào 1 nơi. Để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, phù hợp nhất thì các em cần cân nhắc đặt lên trước các nguyện vọng đó theo thứ tự từ 1 đến hết.
"Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường và nhiều trường, nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa. Vì thế bên cạnh việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành của các trường khác nhau theo yêu cầu của các trường, thí sinh phải nhập dữ liệu đăng ký của tất cả các nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên. Việc xếp thứ tự ưu tiên chỉ thể hiện duy nhất trên hệ thống này" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng nhấn mạnh, các trường không nên chạy đua “nở rộ” nhiều phương thức. Việc lựa chọn phương thức mới, một tổ hợp mới cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. “Không nên thêm quá nhiều phương thức thi. Khi tất cả các trường đưa thêm nhiều phương thức tuyển sinh, cuối cùng vẫn chỉ chọn trong từng đó thí sinh, do đó không hẳn các trường sẽ có lợi trong việc này”, Thứ trưởng nói.
Tác giả: Hà Cường
Nguồn tin: vtc.vn