Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


UBND huyện Kỳ Sơn nói gì về việc chủ nhân hàng loạt lô đất đấu giá xin "rút lui"?

Hiện nay, UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã lập báo cáo, trình UBND tỉnh, Ban phòng chống thiên tai tỉnh các điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Cụ thể, huyện Kỳ Sơn đã thành lập đoàn, kiểm tra, đánh giá lập tờ trình gửi cấp có thẩm quyền phương án để đảm bảo an toàn cho bà con khu vực này... Đây là thông tin được ông Thò Bà Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn ( tỉnh Nghệ An) trả lời phóng viên báo Pháp luật Việt Nam.

Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin, lo ngại trước nguy cơ sạt lở cao, không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi nhận đất, các chủ đất tại khu đấu giá khối 4 thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn - Nghệ An) đã đồng loạt xin “rút lui”…

Nguy cơ sạt lở vẫn còn... 

Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục nhận được thông tin phản hồi của chủ nhân nhiều lô đất khác tại khu vực này. Là một trong những hộ dân tham gia mua đất tại khu vực này, ông Tùng nói: "Việc chúng tôi mua đất thì chúng tôi sẽ thanh toán tiền đầy đủ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải đảm bảo an toàn cho người mua khi sinh sống tại nơi đã bỏ tiền tỷ để mua. Không lẽ an toàn tỉnh mạng tài sản của chúng tôi phải đặt cược hơn 1 tỷ đồng/ lô đất?...".

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Duy Chín, người trúng đấu giá 4 lô đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén, cho biết: "Khi mua đất ai chả muốn lấy, thậm chí muốn lấy sớm, có bìa (Giấy CN QSDĐ - PV) để còn an tâm. Việc khu hạ tầng chưa an toàn, chưa đảm bảo khiến người mua lo lắng nên chúng tôi chưa đóng tiền chứ không phải không đóng. Huyện Kỳ Sơn cần có giải pháp, sớm thực hiện các biện pháp an toàn; lúc đó, đường nhiên chúng tôi sẽ nộp tiền đầy đủ...".

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn có liên quan ghi nhận những thông tin báo đã phản ánh.

Ông Rê, cho biết: Việc mưa gây sạt lở nhiều, nghiêm trọng sau khi dự kè hoàn thành đến nay là không có. Tuy nhiên, việc mưa gây đất, đá nhỏ trôi, sạt lở nhẹ xuống là có, không thể không có. Còn để khẳng định là có thể sạt lở hay không trong tương lai thì không thể khẳng định được, vì ở đó độ dốc cao, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mưa gió, thời tiết... Hiện trạng thực tế là có đó, không hề dấu diếm gì cả, trước khi họ về tham gia đấu cả tháng trời cũng đã thông tin, thông báo trên các hệ thống để khách hàng tìm hiểu kỹ rồi.

 UBND huyện Kỳ Sơn cam kết sửa chữa hệ thống mương tiêu bị hư hỏng.

Việc thực hiện quy hoạch, các cơ quan tham dò địa chất, các cơ quan chuyên môn khảo sát, kiểm tra, tư vấn cho huyện nên đã tiến hành bạt ta luy sâu để hạn chế ảnh hưởng. Về việc hệ thống mương bị hư hỏng xuống cấp, ông Rê khẳng định: Cái đó là trách nhiệm của huyện, chúng tôi sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu để gia cố, sửa chữa - ông Rê nói.

Hiện nay, UBND huyện đã lập báo cáo, trình UBND tỉnh, Ban phòng chống thiên tai tỉnh các điểm có nguy cơ sạt lở cao trong đó có điểm này. Riêng ở vị trí này, các phòng ban đã tham mưu thì ở hệ thông ta luy trên, sẽ xây dựng hệ thống mương và các hố thu để gom nước đổ từ đỉnh núi xuống rồi xả thẳng xuống sông, không cho chảy xuống khu vực dân cư phía dưới.

Cái này đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện cùng đoàn đã đi hiện trường và giao các phòng ban tham mưu lập báo cáo, phương án - Phó Chủ tịch UBND Kỳ Sơn khẳng định.

 UBND huyện Kỳ Sơn đã lên phương án để đảm bảo tối đa an toàn cho người dân tại khu vực phân lô bán nền.

Việc trúng đấu giá, nộp tiền đúng đủ để hoàn thành thủ tục cấp quyền sử dụng đất đã được quy định rõ tại Luật đấu giá. Các hộ gia đình nếu muốn đảm bảo quyền lợi sẽ phải đóng tiền kịp thời để chính quyền sở tại hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, UBND huyện Kỳ Sơn cần thực hiện các giải pháp đã có kế hoạch để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam