Luân chuyển cán bộ: Không 'tráng men', làm đẹp hồ sơ
- 07:07 10-05-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ngăn chặn quan hệ, lợi ích nhóm
|
Quy định 65 nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu, trải nghiệm thực tiễn, phát triển toàn diện hơn.
Với Quy định 65, chúng ta thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Quy định này sẽ đảm bảo sự khách quan hơn, vì cán bộ không phải người địa phương sẽ không bị nhiều ràng buộc. Đồng thời hạn chế tối đa tình trạng như dây dợ, quan hệ, sân sau, lợi ích nhóm… Bên cạnh đó, cán bộ khi ở nơi mới về sẽ hăng hái nhiệt tình, nhanh chóng nắm bắt tình hình, trăn trở của người dân…
Lần này quy trình có 5 bước, các quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan. Về thời gian luân chuyển, ít nhất là phải 3 năm, khi trở về cũng không nhất thiết sẽ được bố trí vào chức vụ cao hơn. Điều này sẽ phụ thuộc vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, quá trình đóng góp, cống hiến, phát triển và sự khẳng định mình của cán bộ được luân chuyển.
Chính vì thế, điều này sẽ khắc phục được câu chuyện đi luân chuyển chỉ để “tráng men”, hay “chạy” luân chuyển, rồi khi quay trở về để được lên chức cao hơn. Do vậy, theo tôi khâu tổ chức thực hiện là vô cùng quan trọng, phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra giám sát, đánh giá đúng mức với từng cán bộ được luân chuyển; đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo khách quan, để việc luân chuyển cán bộ phát huy hiệu quả cao nhất.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thời gian đủ dài mới đo lường được năng lực lãnh đạo
|
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 65 về luân chuyển cán bộ là hết sức hợp lý. Bởi thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực thì công tác luân chuyển cán bộ cũng có những mặt hạn chế. Nhiều trường hợp luân chuyển thời gian quá ngắn, mang tính chất “tráng men”, “đẹp hồ sơ”, chưa kịp phát huy được năng lực sở trường thì đã được điều động, bố trí công tác khác.
Nay, Bộ Chính trị quy định, cán bộ trong diện luân chuyển phải còn thời gian công tác ít nhất 10 năm, thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm là hoàn toàn phù hợp. Thời gian có dài thì mới giúp đo lường được năng lực lãnh đạo của cán bộ thuộc diện luân chuyển.
Hơn nữa, thời gian có dài mới giúp cán bộ thực hiện được những cải cách, những đột phá cho địa phương, chứ đi “tráng men” hơn năm rồi về, chưa “ngồi ấm chỗ” đã quay trở lại.
Một điểm đáng chú ý nữa là Quy định số 65 nêu rõ: Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Lâu nay, trong công tác cán bộ, dư luận thường phản ánh tình trạng “cả nhà làm quan”, thậm chí “cả họ làm quan”. Nguyên nhân một phần do lãnh đạo là người địa phương nên đôi khi bị văn hóa làng, xã; lợi ích cục bộ ràng buộc, kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Với việc luân chuyển, bố trí cán bộ không phải người địa phương chắc chắn sẽ ngăn chặn, hạn chế được tình trạng “cả nhà làm quan”. Qua đó bảo đảm việc lựa chọn, bố trí cán bộ vào bộ máy một cách công tâm, khách quan, “đúng người, đúng việc”.
Ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Cần để cán bộ rèn luyện, cọ xát với thực tiễn
|
Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm rèn luyện đội ngũ cán bộ, giúp họ trưởng thành qua các vị trí. Luân chuyển cũng giúp cán bộ trải nghiệm, rút ra các bài học giữa lý luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, trong những nhiệm kỳ trước đây, việc luân chuyển cán bộ nảy sinh một số bất cập, hạn chế như thời gian luân chuyển ngắn, đi để làm cấp phó. Thành thử, có người sau khi được luân chuyển về địa phương, chỉ tìm cách giữ mình, “vo tròn”, không dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Dư luận nói rằng, đi luân chuyển kiểu đó chẳng khác gì “chuồn chuồn đạp nước”, “tráng men” và đếm ngày quay về.
Trong khi đó, từ thực tiễn và lý luận cho thấy, luân chuyển là dịp để cán bộ rèn luyện, trau dồi kiến thức, cọ xát với thực tiễn để trưởng thành, khẳng định phẩm chất, năng lực và trình độ của người cán bộ trước nhiệm vụ được tổ chức tin tưởng. Muốn rèn luyện để trưởng thành thì thời gian luân chuyển phải dài, ít nhất phải từ 3- 5 năm.
Trong 3- 5 năm đó, cán bộ luân chuyển có đủ thời gian để lãnh đạo, chỉ đạo trong việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Nếu trong thời gian đó, anh làm tốt thì sẽ có điểm cộng để xem xét bố trí vào những vị trí cao hơn.
Ngược lại, không thể hiện được năng lực, bản lĩnh thì sẽ bị xem xét, đánh giá khi bố trí cán bộ. Vì thế, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 65 về luân chuyển cán bộ, trong đó yêu cầu thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm là hoàn toàn phù hợp, đủ để cán bộ thể hiện năng lực, bản lĩnh của bản thân.
Tác giả: Luân Dũng - Văn Kiên (ghi)
Nguồn tin: Báo Tiền phong