Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo dục mầm non vùng khó cần được hỗ trợ toàn diện

Giáo dục mầm non vùng khó vốn phải đối mặt với nhiều thách thức nay càng khó khăn sau khủng hoảng dịch Covid-19. Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó là nguồn động viên tích cực đối với thầy trò nơi đây.

 Các trường mầm non vùng khó cần nhiều sự hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách giáo dục.

Sự quan tâm kịp thời

Với gần 10 năm công tác tại Trường Mầm non xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, cô giáo Nguyễn Thị Dung, nhớ lại: Nhiều năm trước đây, Trường Mầm non Bằng Lãng còn nhiều điểm trường, nằm xa trung tâm thị trấn. Thời điểm đó, các điểm trường chưa đủ điều kiện tổ chức bán trú, phụ huynh lại không có thời gian đưa đón con cái nên việc huy động trẻ mẫu giáo đến lớp đối mặt với muôn vàn khó khăn. Giáo viên phải đến từng nhà, hỏi thăm, động viên từng gia đình.

Trong những năm trở lại đây, các điểm trường lẻ đã sáp nhập vào các điểm trường chính, cơ sở vật chất của nhà trường được nâng cao. Trẻ được ăn bán trú tại trường. Từ đó, phụ huynh ngày càng yên tâm cho con đến lớp. Đặc biệt, đến nay giáo viên hầu như không còn phải đến từng nhà vận động gia đình cho con ra lớp. Với một ngôi trường vùng cao, đây quả thực là “bước ngoặt” quan trọng.

“Ở Trường Mầm non Bằng Lãng, cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn không ít những đứa trẻ chỉ có cơm độn ngô, khoai, chưa được học tập đầy đủ…

Do đó, việc xây dựng đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn là cần thiết và kịp thời để nâng cao chất lượng giáo dục và đời sống cho trẻ em vùng khó khăn. Đây cũng là nguồn động viên, hỗ trợ mạnh mẽ để tôi và những người bạn đồng nghiệp tiếp tục cố gắng, phấn đấu”, cô Dung bày tỏ.

 Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cho các trường mầm non vùng khó.

Trường Mầm non xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 5 điểm trường nằm cách xa nhau. 100% trẻ mẫu giáo nhà trường là người dân tộc thiểu số, nhiều cha mẹ không có việc làm nên điều kiện sống còn bấp bênh. Nhiều trẻ em đi học không có gì ăn. Nhưng điểm khó khăn nhất là vấn đề thiếu nước sạch.

Cô giáo Y Lót chia sẻ: “Chỉ có một điểm trường có nước sạch để dùng. Những điểm khác, giáo viên phải xin nước của người dân hoặc vận động phụ huynh mang nước đến cho nhà trường. Nỗi lo lớn nhất là sức khoẻ học sinh vì nguồn nước sạch không được đảm bảo. Từ thực tế dạy học, tôi hy vọng sẽ có chính sách đặc biệt cho giáo dục mầm non vùng khó khăn để vùng này có sự phát triển tốt hơn”.

Nâng cao chất lượng

Nỗ lực nâng chất tại Trường Mầm non xã Bằng Lãng đã mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung giáo dục mầm non vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung kiến nghị trong việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó, đời sống của giáo viên cần được nâng cao để thầy cô yên tâm công tác.

“Nhiều giáo viên phải dậy từ tờ mờ sáng để đến trường và ở lại trường một tuần, một tháng. Con cái không ai chăm, đành gửi ông bà nội ngoại chăm sóc. Do đó, điều quan trọng nhất là giáo viên được hưởng trợ cấp, lương đảm bảo để thầy cô có cuộc sống ổn định, yên tâm công tác”, cô Dung chia sẻ.

 Cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường Mầm non Bằng Lãng, Bắc Kạn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động bán trú trường học, cô Dung cho biết: Cần tiếp tục rà soát, đánh giá mạng lưới trường lớp, xoá điểm trường và tăng cường hỗ trợ tổ chức ăn bán trú để giáo viên có nhiều thời gian chăm sóc, quản lý trẻ còn phụ huynh yên tâm đưa con đến trường và làm việc. Thêm nữa, cần nâng mức hỗ trợ cho trẻ mẫu giáo vùng khó khăn để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, giảm thiểu tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi.

Đồng tình với quan điểm của cô Dung, cô giáo Tống Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nêu quan điểm: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, ổn định đời sống cho giáo viên mầm non là rất quan trọng. Khi chất lượng đời sống được cải thiện, giáo viên sẽ chuyên tâm hơn trong việc giáo dục trẻ.

Mặt khác, cần bổ sung các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất mang tính đồng bộ, không nhỏ lẻ. Ví dụ, không chỉ xây dựng lớp học mà còn cần sân chơi, tường rào để đảm bảo an toàn thể chất cho trẻ. Trong lớp học, cần quan tâm đầu tư phòng nhóm, đồ chơi, giáo cụ dạy học.

Không chỉ vậy, cần có phương án huy động trẻ nhà trẻ ra lớp vì hiện nay, các em chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ như trẻ mẫu giáo ra lớp, dẫn đến tỷ lệ huy động còn thấp.

Còn cô giáo Đặng Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhận thấy sau dịch Covid-19, cuộc sống của những đứa trẻ địa phương vốn khó khăn nay lại càng thiếu thốn hơn. Đa số phụ huynh làm nương làm rẫy, không có điều kiện quan tâm, chăm lo cho con cái.

Ủng hộ việc xây dựng, ban hành đề án phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, cô Phương chia sẻ: Việc xây dựng đề án phải căn cứ theo điều kiện của từng địa phương bởi có nơi núi cao, có vùng miền biển với đặc điểm văn hoá, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Ngoài ra, bổ sung những điểm mới trong chính sách đối với trẻ em, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó nhằm đáp ứng những thay đổi về mặt kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Tác giả: Phạm Khánh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn