Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


NÓI THẲNG: Phải truy nhanh trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy

TP Hà Nội vẫn chưa thể hiện rõ được đã "kiên quyết xử lý" và "xử lý dứt điểm" như thế nào đối với hàng loạt vi phạm tại công trình số 9, nhà B, khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký văn bản số 1320/UBND-ĐT yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 9, nhà B, khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Như vậy là, cho đến ngày 9-5-2022, TP Hà Nội vẫn chưa thể hiện rõ được đã "kiên quyết xử lý" và "xử lý dứt điểm" như thế nào đối với hàng loạt vi phạm tại công trình nói trên, dù các báo cáo xác minh, thẩm tra của cơ quan chức năng đều khẳng định rõ "vi phạm trật tự xây dựng tại công trình biệt thự số 9 là vi phạm nghiêm trọng, diễn ra trong suốt thời gian dài".

Điều này rất khác với tinh thần quyết liệt thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo trước đó của chính UBND TP Hà Nội. 

Cụ thể, trong tuần cuối tháng 3-2022, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu UBND quận Cầu Giấy và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương cưỡng chế, xử lý dứt điểm vi phạm tại công trình biệt thự số 9 ở phường Yên Hòa; có hình thức xử lý cá nhân, tổ chức liên quan trước ngày 15-4-2022.

Văn bản nói rõ: "Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, UBND TP về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, kết quả, tiến độ xử lý đối với công trình vi phạm nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được quy định… Báo cáo Thành ủy, UBND TP kết quả thực hiện đối với các nội dung nêu trên trước ngày 15-4-2022", đồng thời "yêu cầu UBND quận Cầu Giấy tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý theo quy định tại Nghị định 112/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại, vi phạm tại công trình trên".

Nhưng đến nay, dù đã quá hạn hạn chót là ngày 15-4-2022 đến gần 1 tháng nhưng không hề có việc "cưỡng chế, xử lý dứt điểm vi phạm tại công trình biệt thự số 9". Tất cả "vi phạm nghiêm trọng, diễn ra trong suốt thời gian dài" vẫn còn nguyên đấy với vô vàn lý do được UBND quận Cầu Giấy viện dẫn, bất chấp hàng loạt chỉ đạo trước đó từ Bộ Xây dựng, Thành ủy và UBND TP Hà Nội. 

UBND quận Cầu Giấy cũng chưa hề đưa ra được hình thức xử lý nào để "xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại, vi phạm tại công trình trên" theo quy định tại Nghị định 112/2020 của Chính phủ.

Nói cho cân phân thì UBND quận Cầu Giấy có làm, có đốc thúc chỉ đạo xử lý, có tổ chức kiểm điểm, có họp hành, có triển khai thực hiện các nội dung mà UBND TP Hà Nôi chỉ đạo. Tuy nhiên, vòng loanh quanh, luẩn quẩn, dây dưa cứ lặp đi lặp lại. Rốt cuộc, mọi vi phạm vẫn còn nguyên, ngoại trừ việc kỷ luật hoặc chuyển đổi vị trí công tác của vài cán bộ cơ sở, mà nói cho cùng thì cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với thiệt hại quá lớn mà chính quyền quận Cầu Giấy phải trả giá khi không thể hiện được tinh thần "thượng tôn pháp luật" trong trường hợp cụ thể này.

Vì sao chỉ một công trình xây dựng của cá nhân với nhiều vi phạm giữa "thanh thiên bạch nhật" như thế, đầy thách thức dư luận mà chính quyền quận Cầu Giấy, và cả chính quyền TP Hà Nội vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, dù đã nhiều lần chốt thời điểm hạn chót?

Hạn chót thực sự là hạn chót nào? Câu hỏi tưởng đơn giản, hóa ra rất khó trả lời khi việc xử lý vẫn tiếp tục điệp khúc "cù nhây" với những câu từ thoạt nghe thì rất quyết liệt: "Kiên quyết xử lý", "khẩn trương xử lý", "nghiêm túc kiểm điểm", "xử lý rốt ráo"…?

Người dân không muốn nghe nhiều về những lời hứa hẹn, không muốn đọc nhiều văn bản chỉ đạo, mà chỉ nhìn vào cách cơ quan chức năng thể hiện rõ bằng hành động cụ thể như thể nào trong các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Không thể đòi hỏi người dân phải "thượng tôn pháp luật" khi những người được trao quyền không nhất quán trong lời nói và hành động.

Bao giờ thì những "vi phạm nghiêm trọng" ở công trình này được "xử lý dứt điểm"? Bao giờ thì những cán bộ yếu kém năng lực quản lý, chỉ đạo hay cố tình không chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên mới bị xử lý thỏa đáng, thậm chí là phải loại ra khỏi bộ máy công quyền ở phường Yên Hòa và quận Cầu Giấy? 

Đó không chỉ đơn thuần là những câu hỏi mà nhiều người dân Hà Nội đang cần chính quyền Hà Nội trả lời, mà nó còn là thước đo của niềm tin.

Nói thẳng, phải nhanh chóng truy trách nhiệm, bắt đầu từ ông Bùi Tuấn Anh và ông Trần Việt Hà - Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy.  

Ông Bùi Tuấn Anh là người đứng đầu chính quyền quận Cầu Giấy; còn ông Trần Việt Hà là người được giao phụ trách, chỉ đạo trực tiếp lĩnh vực xây dựng đô thị.

Tác giả: Lương Duy Cường

Nguồn tin: Báo Người Lao Động